Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Lifestyle Inflation - làm nhiều, tiêu nhiều, còn bao nhiêu!
17 Tháng 12, 2021

Lạm phát lối sống trong thuật ngữ tiếng Anh còn được gọi là Lifestyle Inflation hay Lifestyle Creep là sự leo thang về lối sống khi thu nhập của bạn tăng lên đồng thời chi tiêu cũng tăng vọt theo. Điều này đồng nghĩa rằng, khi bạn kiếm được nhiều tiền, bạn tiêu nhiều hơn. Bởi vì bạn tiêu nhiều hơn, bạn phải chăm chỉ hơn để kiếm nhiều tiền hơn. Lối sống làm nhiều tiêu nhiều này là nguyên nhân dẫn đến sự khánh kiệt trong tài chính của nhiều người, phần lớn là người trẻ. Dẫu thu nhập có tăng gấp ba lần thu nhập cũ thì cũng chẳng dư dả gì! 

Giải thích cho lý do một người mắc phải “lạm phát lối sống” thông thường sẽ rơi vào một số nguyên nhân chính sau:

  • Nuông chiều bản thân quá mức: Khi làm việc chăm chỉ để kiếm tiền, bạn sẽ tự thưởng cho bản thân những món đồ “đắt đỏ”, ví dụ như một đôi giày hiệu hay một chuyến du lịch chẳng hạn? Điều này không xấu, nhưng nếu việc này thường xuyên lặp đi lặp lại không có kiểm soát, nó có thể trở thành một khoản chi tiêu xấu gây hại cho sức khỏe tài chính của bạn ở hiện tại và trong tương lai.

  • Ảnh hưởng từ những hào nhoáng của mạng xã hội: Hầu hết những người thuộc thế hệ Millennials cho rằng mạng xã hội tạo ra nhiều tác động tiêu cực ảnh hưởng lên cuộc sống thực của họ. Dẫu biết những gì đang thấy đều đã được “makeup”, họ vẫn mong muốn mình là một phần của những hào nhoáng đó. Động lực này dẫn đến hành vi mua sắm với mục đích phô trương (Conspicuous consumption). Biểu hiện của hành vi này chính là việc chi trả cho hàng loạt các món đồ, sản phẩm, dịch vụ đắt đỏ vượt quá khả năng chi trả, nhẹ thì sạch túi, nặng hơn thì phải vay mượn để duy trì được “level”. Việc nâng cấp bản thân bằng cách này, không sớm thì muộn, bạn sẽ trở thành một tín đồ “Lifestyle Inflation” chính hiệu.

  • So sánh mình với những người xung quanh: Thông thường, mọi người hay chi tiền nhiều hơn để theo kịp thói quen chi tiêu của những người xung quanh, đặc biệt với những người có những điểm tương đồng về giới tính, tuổi tác, hoàn cảnh sống. Để có thể “bằng bạn bằng bè” hoặc thậm chí hơn, khi thấy người khác chạy một chiếc xe tay ga, bạn cũng nghĩ rằng mình cần phải mua nó ngay cả khi con “ngựa chiến” ở nhà vẫn đang làm tốt nhiệm vụ mỗi ngày. Về cơ bản thì nhu cầu không thay đổi, hai chiếc xe đều chung chức năng, đưa bạn đi từ điểm A đến điểm B và kết thúc.

 

Khi nào thì được gọi là chi tiêu lành mạnh

Tăng mức chi tiêu không hoàn toàn xấu nếu nó thực sự mang lại nhiều ý nghĩa.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Việc bỏ tiền ra để sửa sang lại căn nhà, hay lựa chọn một gói bảo hiểm sức khỏe tốt, hay sử dụng các thực phẩm dinh dưỡng đều là lý do chính đáng để bạn chi tiền. Chung quy, ý nghĩa của việc làm ra tiền là để đảm bảo được nhu cầu sống tốt cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để an toàn, hãy chắc chắn quỹ tiết kiệm của bạn đã có thể chi trả được 3 tháng sinh hoạt trở lên. Sau đó, bạn có thể nghĩ đến việc từ từ nâng cấp mức sống. 

Cải thiện chất lượng công việc

Khi lương tăng đồng thời cũng được thăng chức, bạn nghĩ mình cần nâng cấp diện mạo để trông ra vẻ chuyên nghiệp hơn, điều này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu. Hay chi trả tiền cho một khóa học giúp bạn nâng cao tay nghề và khả năng làm việc, điều này cũng hoàn toàn xứng đáng…  Đây chính là giá phải trả giúp bạn có được nhiều cơ hội học tập và phát triển.

Tìm kiếm trải nghiệm, nâng cao sức khỏe tinh thần

Chi tiền cho những trải nghiệm giúp bạn lấy lại tinh thần và năng lượng làm việc là một điều cần thiết. So với việc chi tiêu cho mua sắm vật chất thì chi tiêu cho trải nghiệm sẽ mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc lâu hơn. Trải nghiệm ở đây không nhất thiết là những chuyến du lịch xa xỉ, đó có thể là những trải nghiệm như gặp gỡ bạn bè tại một không gian bạn chưa từng đến trong thành phố hay những hoạt động cùng gia đình bạn chưa từng thử,... Thực tế là, những trải nghiệm đáng để chi là những trải nghiệm bạn cần thay vì những gì bạn muốn. Đây sẽ là cơ hội để bạn tự tạo ra những giá trị tinh thần, cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống sau khoảng thời gian căng thẳng làm việc.

 

 

Chiến lược đương đầu với lạm phát lối sống


Nghiêm khắc với bản thân

Tùy thuộc vào mức độ lạm phát nặng nhẹ sẽ có những ảnh hưởng khác nhau đến tài chính mỗi người. Tuy nhiên, mọi quyết định chi tiêu của bạn đưa ra hôm nay đều sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bạn ở ngày mai. Với mỗi lần mua hàng, bạn cần cân nhắc hỏi bản thân xem liệu có đủ khả năng chi tiêu số tiền cho món hàng đó không? Ngay cả khi có thể thì liệu có nên mua không?

Thiết lập kế hoạch

Để chào tạm biệt “lạm phát lối sống” thì mối quan hệ giữa bạn và tiền của mình tuyệt đối không được phép mập mờ. Đây là chìa khóa: Lên kế hoạch! Lên kế hoạch! Lên kế hoạch! Đầu tiên là đưa ra một số mục tiêu ngắn hạn lẫn dài hạn để định hướng kế hoạch tài chính của bạn. Mục tiêu ngắn hạn có thể là những món hàng bạn muốn mua. Với mục tiêu dài hạn thì lại đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng hơn, chẳng hạn bạn sẽ ở đâu vào 10 năm tới, đất nước nào bạn muốn đặt chân đến, hay khoản đầu tư mà bạn đang nhắm vào… Đây sẽ là tiền đề đảm bảo bạn có thể chi tiền cho những thứ bạn xem là giá trị nhất.

Bước tiếp theo, thiết lập và tuân theo ngân sách quy định mỗi từng tháng. Về bản chất, thiết lập ngân sách không để khống chế nhu cầu chi tiêu của bạn mà giúp bạn có thể kiểm soát được dòng tài chính cá nhân và những quyết định thông thái hơn trong việc chi tiêu.   

Thẳng thắn giữa nhu cầu và mong muốn

Đây là lúc bạn cần phải khiêm tốn, thật thà, dũng cảm phân chia các dòng chi tiêu của mình ra hai mục: nhu cầu và mong muốn. Nhu cầu là những cái thực sự cần thiết bắt buộc bạn phải có, và ngược lại với mong muốn. Việc thành thật này có thể giúp bạn đưa ra những quyết định tài chính tốt hơn và tránh lạm phát lối sống quá mức. 

Tiết kiệm và đầu tư ngay khi có thể

Để tiền đẻ ra tiền, chỉ có thể là đầu tư. Dù mức độ đầu tư của bạn như thế nào thì hãy thật nghiêm túc để bắt đầu. Bằng cách áp dụng phương pháp "chi trả cho bản thân trước" khi tự động trích 10% thu nhập để riêng ra cho chính mình trước khi chi trả bất kỳ khoản chi nào khác, bạn sẽ có dư ra một số tiền sẵn sàng cho “công chuyện” đầu tư. Như vậy, bạn sẽ không phải thấp thỏm suy nghĩ xem tiền của mình đã đi đâu. Đợi một ngày, tiền của bạn sẽ trở về cùng vô số con cháu của mình.

 

Và...

Nếu không có một chiến lược sử dụng tiền phù hợp thì chuyện bạn kiếm được 10 triệu hay 100 triệu cũng không có gì khác nhau. Việc tăng thu nhập của bạn không nhất thiết phải đi đôi với việc tăng chi phí sống. Bạn hoàn toàn có thể tránh xa chiếc bẫy lạm phát lối sống bằng cách nhận biết mọi khả năng nhu cầu, mong muốn tiêu xài của bản thân đồng thời áp dụng triệt để việc tiết kiệm - đầu tư để dùng tiền một cách khôn ngoan nhất. Đến được đây thì yên tâm rằng một tương lai khá giả đang đợi bạn phía trước.

 

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo