Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
“Chi trả cho bản thân trước” - tiết kiệm cũng cần chiến lược!
30 Tháng 10, 2021


Đã bao giờ bạn lăn tăn về chuyện bản thân không thể tiết kiệm nổi dù chỉ giới hạn khoảng thời gian trong vòng một tháng? Nếu có, yên tâm, bạn không cô đơn đâu, ngoài kia có hơn 500 anh em cũng đang kêu gào giống bạn đấy. Giống như “đi thỉnh kinh”, tiết kiệm là một con đường đầy gian nan, muôn vàn trắc trở. Và nếu không một lòng một dạ hướng về, bạn có thể sẽ bị “ngã ngựa” dọc đường, tệ hơn, đi mãi mà vẫn không thấy đích, làm hoài vẫn không thấy dư. 

Đối phó với những bất cập, trì hoãn của bản thân trong việc tiết kiệm, nguyên tắc “Chi trả cho bản thân trước” (Pay yourself first) được xem là một phương thức vô cùng lợi hại có thể trị tận gốc chuyện này.

Vậy, chi trả cho bản thân trước là gì? Đó nghĩa là tự động trích một khoản tiết kiệm nhất định để riêng ra cho chính mình trước khi chi trả bất kỳ khoản chi nào khác. Ý tưởng này có thể khiến bạn e ngại lúc đầu, tuy nhiên, đây là một chiến lược tốt để bạn đảm bảo được an toàn tài chính của  bản thân cho những sự kiện “trên trời rơi xuống” trong tương lai. 

 

Làm vậy để chi? 

Đa phần mọi người đều đánh giá thấp tầm quan trọng của việc tiết kiệm, có cũng được, không có cũng chẳng sao, không ảnh hưởng đến đời mình bao nhiêu. Chưa kể thế hệ trẻ ngày nay, cách sống Yolo (cứ tận hưởng, cứ hết mình ở hiện tại) khiến tiết kiệm thành điều quá xa xỉ. Ở mặt không tích cực mấy, thì những người biết tiết kiệm khi đứng giữa đám đông này, họ trở thành những người thật bủn xỉn, lo xa… và nhìn có vẻ không tha thiết cuộc đời cho lắm! Nhưng khoan, it’s a trap, đừng để con đường tự do tài chính của bạn bị lún sâu trong chiếc bẫy đại trà này. Cùng khởi động vài ý tưởng để “nâng cấp” sự quan trọng của việc tiết kiệm!

  • Đầu tiên, tiết kiệm cho phép bạn giải quyết rốp rẻng các trường hợp khẩn cấp.
  • Thứ hai, khi đã an toàn tài chính, bạn tự khắc sẽ được tự do.
  • Tiếp đó, các cơ hội đầu tư được mở rộng hơn.
  • Ý này bạn sẽ thích nhất, đó là đủ có khả năng chi trả cho những kỳ nghỉ sang trọng và những chuyến du lịch xuyên lục địa… Hoặc là đầu tư chẳng hạn.
  • Và còn rất rất nhiều thứ nữa mà bạn có thể làm...

Tiết kiệm do đâu mà khó?

Như bất kỳ một kỹ năng cứng hay mềm nào đó, tiết kiệm phải được mang ra thực hành, rút kinh nghiệm và chịu nhiều thử thách của thời gian để đem lại kết quả tốt nhất. Vậy, đâu là các “chướng ngại vật” làm tiết kiệm khó nhằn như thế?

Có ti tỉ thứ để chi

Góp mặt trong danh sách vàng của làng “làm khó” này có thể kể đến những cái tên như: tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền nước, tiền đám cưới, tiền abc và xyz… Đến cuối ngày, chẳng còn dư lại gì để bạn có thể bỏ vào quỹ tiết kiệm ọp ẹp kia, thậm chí bạn còn phải mượn nợ để duy trì vòng lặp chi tiêu của mình. Và, nếu kịch bản tiêu xài quá độ này cứ tái diễn liên tục, đây chính là một dấu hiệu báo động bạn cần phải đánh giá lại và thay đổi lẹ.

Thiếu mục tiêu tài chính

Nếu không có lý do để tiết kiệm, như chiếc xe đạp không phanh, số tiền để dành của bạn sẽ lao thẳng xuống dốc không chần chừ. Một mục tiêu tài chính cụ thể chính là động lực để bạn giữ yên được số tiền của mình trong túi. Mục tiêu đó có thể là tự kinh doanh, một tài sản muốn mua, một chuyến du lịch, hay một khóa học mới chẳng hạn… Hơn nữa, không thể loại trừ đi trường hợp bạn mất việc đột ngột vì một lý do gì đó (Covid chẳng hạn) và cần một khoản tiền để trang trải sinh hoạt phí cho đến lúc tìm được việc mới. Vậy nên, hãy luôn nghĩ đến mục tiêu tài chính của bạn!

Không nhận được sự ủng hộ 

Khi bạn có mong muốn tiết kiệm, nhưng những người xung quanh luôn muốn sự góp mặt của bạn trong mọi buổi tiệc, mọi cuộc vui chơi thì mọi chuyện thật không đơn giản. Các khoản chi không cần thiết sẽ luôn tìm cách phát sinh và “bào” chiếc ví mỏng manh của bạn. Để đi được trên hành trình tiết kiệm lâu dài này, ngoài sự kiên định của bản thân, bạn cũng cần những mối quan hệ có thể hiểu và tin tưởng vào nó - câu chuyện tiết kiệm. 


Tiết kiệm không phải là ưu tiên hàng đầu

Có thể cụm từ “tiết kiệm” đã nhiều lần là “chân ái” của bạn, nhưng rồi do “làm này, làm kia” mà kế hoạch của bạn lại bị trì hoãn vô thời hạn. Cuối cùng, bạn vẫn chưa tiết kiệm được gì hết! Ok! Trước hết và duy nhất, bạn không nên xem tiết kiệm là chuyện nên làm, mà là phải làm. Tiết kiệm phải được xem là một phần quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống của bạn, không thua kém gì việc ăn, ngủ, nghỉ. Chỉ khi như thế, mọi việc sẽ trở nên quan trọng nhưng không còn khó khăn như trước.

Tiêu xài ngoài khả năng tài chính

Thói quen tiêu xài cũng được xem là một yếu tố quan trọng trong công cuộc gây quỹ tiết kiệm của bạn. Chỉ khi bạn chi tiêu và sống đúng với khả năng chi trả của bản thân thì lúc đó mới dám nghĩ đến việc có dư. Nhiều người không kiểm soát được vấn đề này thường hay sa vào vòng lặp chi tiêu quá đà, thậm chí vay nợ, rồi lại trả nợ sau mỗi lần nhận lương. Nếu nằm trong diện này, bạn cần cân nhắc lại. 

 

Bắt tay vô làm liền!

Đi đến đây, mọi người hẳn phần nào đã hiểu được “chi cho bản thân trước” sẽ như thế nào. Bây giờ là lúc để “vượt khó” và chèo xuồng thật nhanh đến hòn đảo “thịnh vượng”. Dưới đây là một vài chiến thuật mà có lẽ bạn sẽ cần.

 

Phân tích chi tiêu và thu nhập cá nhân

Không thể “tay không đánh giặc” hay nhảy vào tiết kiệm khi chưa hiểu tình hình tài chính của bản thân. Tiết kiệm quá ít sẽ không giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính. Trước khi đi đến con số cụ thể, bạn cần đánh giá các khoản chi tiêu có thể xảy ra, đó là chi phí cố định hay những chi phí biến đổi khác. Đối chiếu, so sánh những chi phí cùng mức thu nhập hiện tại từ đó bạn sẽ xác định được đâu là những thay đổi cần thực hiện để có thể tiết kiệm được nhiều hơn. 

Đặt mục tiêu và cam kết thực hiện

Có rất nhiều quy tắc về ngân sách được các nhà phân tích tài chính chỉ ra để giúp mọi người phân bổ ngân sách hợp lý hơn. Một phương pháp quản lý tài chính được nhiều người sử dụng nhất là quy tắc 50/30/20. Nghĩa là, thu nhập của bạn sẽ được chia vào 3 nhóm chính với tỷ lệ 50% cho các chi tiêu thiết yếu, 30% dành cho các mong muốn cá nhân và 20% dành để tiết kiệm. Tất nhiên bạn có thể tự điều chỉnh tùy thuộc vào điều kiện tài chính của bản thân.

Để tránh trường hợp hồ hởi lúc đầu và chán nản hồi sau, bạn cần một cam kết về tài chính cụ thể. Phải, bạn rất cần nó. Trường hợp này, hãy mở một tài khoản tiết kiệm và đặt hạn mức phần trăm để sau mỗi lần nhận lương số tiền kiếm được sẽ tự động nhảy vào tài khoản tiết kiệm. Vậy thì, hết đường để bạn lăn tăn hay đắn đo rồi nhé!

Đánh giá định kỳ

Tương lai là một điều bất định, không thể đoán được có gì ở phía trước, nguyên tắc “chi cho bản thân trước” cũng thế. Giả sử, với kinh nghiệm và kỹ năng có được theo thời gian, bạn sẽ được tăng lương, hay khi đại dịch ập đến bạn sẽ bất ngờ bị mất việc, mất nguồn thu trong khi vẫn phải chi ra đều đặn, hoặc hơn. Đối diện những kịch bản này, hãy dừng lại đánh giá và điều chỉnh. Bất kể khó khăn, thách thức bạn đang đối mặt là gì, đừng-bao-giờ-đầu-hàng. 

Tóm lại,

Muốn tự do tài chính thì bạn không được phép ly hôn với tiết - kiệm. Nếu có vấn đề với tài chính cá nhân, Ting sẽ ở đây cùng bạn giải đáp từng thắc mắc một. Ở Ting, chúng mình vẫn không ngừng nỗ lực hướng đến việc xây dựng một giải pháp quản lý tài chính hiệu quả và đơn giản nhất. Đừng ngại liên hệ cho Ting nếu bạn muốn biết thêm thông tin gì thêm nhé!

 

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo