Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Quỹ tiết kiệm khẩn cấp - Giảm bớt chứng sợ “tương lai” cho Millennials
25 Tháng 12, 2021

Nếu gọi Gen Z là “măng non” của nền kinh tế thì Millennials chính là những cây cao đang vươn mình làm trụ cột chính cho lực lượng lao động tại Việt Nam. Không những là thế hệ chủ chốt làm ra tiền, Millennials đồng thời là đối tượng chủ yếu quyết định mức sống cho bản thân và gia đình của họ. So với thế hệ của bố mẹ mình, thay vì đặt tiết kiệm làm hàng đầu, hầu hết Millennials có xu hướng thích tận hưởng, không ngại chi tiền cho những trải nghiệm, hoạt động giúp làm tăng sức khỏe tinh thần. Dẫu vậy, dù không phải trải qua những khó khăn của chiến tranh, mất mát thì có ở đâu, thời cuộc nào đi chăng nữa, tiết kiệm vẫn đóng vị trí quan trọng giúp một người có thể trụ vững trước những chuyện từ đâu rớt xuống. 

Quỹ tiết kiệm khẩn cấp được biết đến với công dụng dùng để đối phó hiệu quả trước những thay đổi bất ngờ, tréo ngoe mà thỉnh thoảng cuộc đời đem đến. Vài ví dụ điển hình như mất việc, dịch bệnh, ốm đau, đồ dùng hỏng hóc cần sửa… Mục đích cho sự ra đời của quỹ là giúp cải thiện an ninh tài chính cá nhân. Với quỹ tiết kiệm, bắt đầu sớm chừng nào thì hay chừng đó! 

 

Những thách thức khi bắt đầu một quỹ khẩn cấp

Khi nào thì được đụng tới cái quỹ? Đây là một vấn đề cần làm rõ, để quỹ trở nên hữu ích và thực sự phát huy công dụng, bạn chỉ chi cho các khoản thực sự khẩn cấp. Nhớ là phải khẩn cấp. Ví dụ, chẳng may bạn làm mất laptop trong khi đây lại là công cụ làm việc chính, lúc này quỹ khẩn cấp sẽ là “kim bài miễn tử” giải thoát bạn khỏi những chuyện xui rủi. Nhưng nếu bạn tình cờ gặp lại người quen và hẹn nhau tại quán ăn hay tiệm cà phê nào đó thì quỹ khẩn cấp không nên là một sự lựa chọn. 

Mức thu nhập và hoàn cảnh sống cũng là yếu tố quan trọng quyết định bạn có thể để dành được bao nhiêu cho quỹ. Để quỹ được màu mỡ, bạn cần phải cắt bỏ bớt những thú vui xa xỉ của bản thân, chẳng hạn: xem phim, trà sữa, mua sắm áo quần,... Thật không mấy dễ chịu khi phải lên kế hoạch chắt bóp, để dành tiền cho những sự kiện tương lai mà không biết lúc nào nó sẽ đến. Nhưng chỉ khi nó thực sự đến, bạn sẽ cảm thấy biết ơn vì những gì đã chuẩn bị, Covid là một minh chứng sống như thế.

 

COVID-19 nói gì về quỹ khẩn cấp

Chẳng ai ngờ rằng mọi thứ có thể bị đảo tung bởi những cú nhảy của con Covid trong 2 năm liền. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa, công ty phá sản, hàng loạt nghề mới ra đời thế chỗ cho những nghề nghiệp đã bị đại dịch triệt tiêu. Nếu có điều gì Covid đã dạy cho chúng ta về tài chính thì đó chính là tầm quan trọng của việc chuẩn bị và xây dựng quỹ khẩn cấp càng sớm càng tốt.

Ngay cả khi nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi, ta cũng khó dự đoán được tác động của khủng hoảng sẽ kéo dài bao lâu và sẽ còn những thay đổi biến chuyển nào khác. Do đó, xây dựng quỹ khẩn cấp phải xem là chuyện cấp thiết và trọng đại. Thay vì sợ sệt tương lai, hãy chuẩn bị cho nó mỗi ngày. 

 

 

Bao nhiêu thì đủ cho một quỹ khẩn cấp

Tùy vào khả năng và mức độ chi tiêu mà mỗi người sẽ có quỹ khẩn cấp riêng cho mình. Thông thường, một người thường được khuyên để dành ít nhất từ 3 đến 6 tháng chi phí sinh hoạt. Về bản chất sẽ không có một hạn mức cụ thể nào để tất cả cùng làm theo. Với đại dịch, bạn có thể tiết kiệm nhiều hơn, đặc biệt nếu thu nhập của bạn không cao. Và khi bắt tay vào làm, hãy đánh giá hoàn cảnh và nhu cầu của bản thân để cân nhắc số tiền cần để trong quỹ phù hợp. 

 

Những loại tài khoản tiết kiệm phù hợp để “cất giấu” quỹ

Nơi tốt nhất để tiết kiệm quỹ khẩn cấp nên là một tài khoản tiết kiệm riêng biệt với tài khoản sử dụng thường ngày. Điều này cho phép bạn có thể lấy bất cứ khi nào cần đến nhưng không quá dễ dàng để tiêu xài, phạm vào những việc không thực sự khẩn cấp. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể cất giữ quỹ khẩn cấp của mình.

1. Tài khoản tiết kiệm lãi suất cao

Tài khoản ngân hàng có lãi suất cao (High-Yield Bank Accounts) là một loại tài khoản tiết kiệm có lãi suất cao hơn tài khoản tiết kiệm tiêu chuẩn. Một số ngân hàng như Saigon Bank hay Nam Á Bank thường đưa ra mức lãi suất tiết kiệm trực tuyến từ 7,15% đến 7,4% hàng năm, cao hơn tiền gửi truyền thống từ 0,9 đến 1,2%. Khi tổng số tiền tăng lên cùng lãi suất, bạn có thể giao dịch rút tiền trực tuyến. Tuy nhiên, cũng cần xem xét đến các yếu tố như biểu phí và các điều khoản liên quan đến tài khoản trực tuyến.

2. Tài khoản ngân hàng truyền thống

Nếu không lựa chọn tài khoản tiết kiệm lãi suất cao hay các quỹ tiền tệ, bạn hoàn toàn có thể tạo một tài khoản truyền thống thông thường. Trong các trường hợp khẩn cấp, bạn có thể nhanh chóng rút tiền tại ATM, tuy nhiên điều này cũng dễ khiến bạn đôi lúc “tùy tiện” chi trả cho những thứ không cần thiết, đi chệch khỏi mục đích ban đầu của quỹ. Thay vì chỉ mở một tài khoản thông thường, hãy mở thêm một tài khoản tiết kiệm có kỳ hạn song song để có theo dõi và kiểm soát tình hình tài chính cá nhân. 

 

Tầm quan trọng của quỹ đối với Millennials

Ngay cả khi Millennials đang chiếm đóng vai trò then chốt của nền kinh tế thì không có gì đảm bảo họ sẽ có được nền tảng tài chính vững vàng hơn những thế hệ trước. Đối diện những rủi ro, thách thức của thời cuộc, không phải ai cũng đủ may mắn và năng lực để có một công việc ổn định với mức lương hậu hĩnh cho phép thoải mái tiêu xài. Một quỹ khẩn cấp thực sự cần thiết để đảm bảo rằng họ có thể duy trì được mức sống và chi trả cho những nhu cầu cơ bản nhất của bản thân dù có bất cứ chuyện gì xảy ra.

Thói quen tiết kiệm ngoài công dụng chính là đảm bảo cho tương lai của bạn thì có thể giúp bạn học được cách kiểm soát chi tiêu, nhận diện được đâu là thứ nên mua và đâu thì không. Ngoài ra, để tăng trưởng dòng thu nhập và tài sản thì đầu tư vào bất động sản là cũng là cơ hội hấp dẫn mà các Millennials không nên bỏ qua. Người trẻ hiện nay khó có thể đuổi kịp với giá bất động sản ngày càng tăng ở các thành phố nếu chỉ với mức lương thường ngày mà không có kế hoạch tài chính cụ thể. Một quỹ tiết kiệm khẩn cấp dành cho đầu tư sẽ là cơ hội để người trẻ có thể tìm kiếm nhiều cơ hội mở rộng vòng tròn tài chính của mình.


Chốt lại,

Bất kể là kiếm được bao nhiêu hay đang phải đối mặt với những khó khăn gì bên ngoài, quỹ khẩn cấp nên là một phần quan trọng trong mục tiêu tài chính của bạn. Hãy bắt đầu ngay và liền với những gì mình đang có và ví điện tử Ting là một công cụ có thể giúp bạn tự động hóa chuyển tiền của mình vào tài khoản tiết kiệm một cách an toàn và thuận tiện. Trải nghiệm Ting bằng cách tải xuống điện thoại thông qua Google Play Store hoặc App Store nhé! 

 

Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo