Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Quỹ khẩn cấp - thắt dây tài chính an toàn
17 Tháng 9, 2021

Bản thân mỗi người chúng ta sống ở giai đoạn này đều như đang chơi một ván cờ may rủi, ta không lường trước được cú nhảy của con COVID sẽ dắt ta đi đến đâu và nền kinh tế bao giờ sẽ bình thường mở cửa trở lại. Đối diện với những tình huống “trên trời rơi xuống” hay “ở đâu chui ra” này, quỹ dự phòng khẩn cấp như một chiếc thắt dây an toàn cho ta sự ổn định tạm thời trên chặng đường gồ ghề sỏi đá trước mặt. 

 

Giải nghĩa “quỹ khẩn cấp”

Quỹ khẩn cấp (Emergency Fund) là số tiền tiết kiệm riêng để đảm bảo cuộc sống bình thường cho bản thân nếu có những chuyện rắc rối, đột xuất xảy ra. Chuyện “rắc rối” đề cập đến có thể như không may bị thất nghiệp, ốm đau hay đồ đạc trong nhà hỏng hóc cần phải sửa chữa… Mục đích của quỹ là giúp cải thiện an ninh tài chính nhằm có thể đáp ứng kịp thời các chi phí khẩn cấp. Chúng ta sẽ không phải hoảng sợ khi đồ đạc trong nhà bỗng một ngày lăn ra “đình công” hay xui xẻo hơn vừa quay qua quay lại đã không thấy chiếc laptop của mình đâu. Nghe thật buồn, nhưng nếu bạn có tiền để chi trả liền cho những việc đó, nỗi buồn sẽ được hóa giải phần nào hoặc cũng có thể bạn sẽ có thêm niềm vui mới với những món đồ vừa mua. Tiền không phải tất cả, nhưng có tiền sẽ đỡ vất vả hơn, phải không? 

 

 

Vậy, để dành bao nhiêu thì đủ

Tùy vào khả năng và mức độ chi tiêu mà mỗi người sẽ có quỹ khẩn cấp riêng cho mình. Chúng ta thường được khuyên nên chuẩn bị ít nhất 3 đến 6 tháng lương, nhưng khi nào thì chỉ cần 3 tháng, khi nào thì cần 6 tháng hay thậm chí là 1 năm chi tiêu?

Nhóm 1: Chỉ cần dự phòng 3 đến 4 tháng nếu

  • Bạn có sức khỏe tốt và một lối sống lành mạnh.
  • Bạn không có các khoản nợ.
  • Bạn có mức sinh hoạt phí vừa phải.
  • Bạn có một công việc khó bị thay thế (là những công việc ở vị trí cao hoặc đòi hỏi chuyên môn cao) hoặc bạn dễ dàng tìm việc mới nếu thất nghiệp (liên quan đến khả năng của bạn và nhu cầu của thị trường).
  • Bạn có các mối quan hệ thân thiết xung quanh sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ bạn lúc khó khăn (gia đình, bạn bè, người yêu). 

Nhóm 2: Hãy tiết kiệm nửa năm chi tiêu nếu

  • Bạn có mức sinh hoạt phí cao
  • Bạn đang có nợ phải trả góp hàng tháng
  • Nguồn thu nhập không ổn định (bán hàng, làm việc theo dự án, Freelancer…)
  • Bạn đang có con nhỏ, có người phụ thuộc hoặc là trụ cột chính của gia đình.
  • Bạn có thể trạng yếu, hay đau ốm hoặc có bệnh mãn tính.
  • Bạn thiếu mạng lưới hỗ trợ tại chính từ gia đình, bạn bè, người thân…

Nhóm 3: Sẽ cần chuẩn bị 1 năm chi tiêu nếu:

  • Bạn có thu nhập cao (nghe có vẻ ngược nhưng những người có thu nhập thật sự cao lại cần Quỹ khẩn cấp lớn vì họ cần nhiều TỰ DO hơn những người có thu nhập thấp).
  • Công việc của bạn đòi hỏi sự di chuyển và thay đổi giữa nhiều địa điểm.
  • Bạn là người chu cấp cho nhiều người phụ thuộc.
  • Bạn đã hoặc sắp nghỉ hưu.

 

 

Để “cái quỹ” này ở đâu?

Có thể thấy cuộc sống càng nhiều biến động thì quỹ khẩn cấp càng lớn, càng ít thu nhập thì quỹ khẩn cấp càng lớn, càng nhiều trách nhiệm thì quỹ khẩn cấp càng lớn. Vậy, cất quỹ ở đâu thì hiệu quả để lúc “tới công chuyện” có thể đem ra sử dụng?  
  
Hồi xưa ông bà ta có khái niệm "Quỹ khẩn cấp" không? Có chứ, cho đến bây giờ một số người vẫn còn giữ thói quen giữ tiền mặt hoặc là mua vàng để dự trữ. Nhưng giờ đây, với sự phát triển của công nghệ tiên tiến, thói quen "lập quỹ" đã thay đổi khi có nhiều sự lựa chọn hơn để gửi gắm quỹ khẩn cấp của chính mình. Gửi tiết kiệm ngân hàng cũng đang là sự lựa chọn của nhiều người thời nay bởi tính thanh khoản cao, kỳ hạn linh hoạt, ít rủi ro và mọi ngân hàng đều có dịch vụ này. Gợi ý, với việc gửi tiết kiệm ngân hàng, bạn có thể chia nhỏ phần tiền thành 2 phần: một phần tiết kiệm với kỳ hạn dài để được hưởng lãi suất cao và phần còn lại dành cho chi tiêu khẩn cấp với kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng. Và dù có để “cái quỹ” này ở đâu thì bạn cũng cần phải suy nghĩ thấu đấu đáo về việc để vào - lấy ra sao cho hợp tình hợp lý nhất. Quyết định là do bạn! 💪

 

Bắt đầu thôi!

Với quỹ khẩn cấp, càng bắt đầu sớm thì càng tốt, vì đây sẽ là chiếc khiên vững chắc che chắn bạn trước những sự cố bất ngờ trong tương lai. Và một chiến lược thông minh sẽ giúp bạn sớm có được thứ bạn mong muốn.

  • Tính tổng số tiền bạn cần tiết kiệm: Dựa trên nhu cầu chi tiêu và mong muốn cá nhân Ting đề cập ở trên, bạn có thể thực hiện các phép tính cơ bản để biết được số tiền bạn muốn để dành ra cho quỹ. 
  • Đặt mục tiêu tiết kiệm hằng tháng: Tạo thói quen tiết kiệm mỗi tháng sẽ giúp bạn đến với mục tiêu dễ dàng và nhanh chóng hơn. Điều bạn cần làm là tự động chuyển một khoản tiền tiết kiệm vào quỹ ngay sau khi nhận lương mỗi tháng, không được chần chừ, đắn đo. 
  • Cất giữ các khoản tiền lẻ: Nếu bạn là người thường xuyên sử dụng tiền mặt, bạn có thể gom các khoản tiền lẻ, nhỏ vào một chỗ như bỏ vào ống heo hoặc cất vào lọ. Khi số tiền đủ nhiều, hãy mang đến ngân hàng để gửi hoặc…. đổ vàng chẳng hạn. Đừng bỏ qua khoản này nhé, nhỏ nhưng có võ đấy!
  • Để dành tiền hoàn thuế: Xu hướng của hầu hết chúng ta sẽ nghĩ tiền hoàn thuế như một món quà hay một phần tiền thưởng mà ta có thể mua sắm thỏa thích, tùy ý. Và thay vì lao mình vào chủ nghĩa tiêu thụ quá đà, bạn hoàn toàn có thể sử dụng phần tiền này để làm giàu quỹ khẩn cấp của mình - một phần thưởng cao hơn và chất lượng hơn.
  • Xem xét và điều chỉnh: Sau một khoảng thời gian tiết kiệm, bạn cần ngồi xuống để kiểm tra lại số tiền quỹ đang có để cân nhắc và điều chỉnh phù hợp. Nếu số tiền đã đủ với mục tiêu tiết kiệm ban đầu, hoặc bạn có thể cân nhắc để mở rộng quỹ, hoặc bạn có thể điều hướng tiền tiết kiệm sắp tới sang một quỹ khác. Đầu tư chẳng hạn?

 

Tóm lại là,

Hãy xem quỹ khẩn cấp của bạn như một lớp phòng ngự cuối cùng mà chỉ nên đụng đến khi không còn giải pháp nào khác. Và sau khi đã sử dụng, bạn cần chắc chắn rằng nguồn quỹ phải được tái thiết lập lại sớm nhất có thể để chờ đón những chuyện “không biết từ đâu” sẽ đến trong tương lai.

Nguồn:
Tổng hợp từ các bài viết tại Amy advise - Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân
Quỹ khẩn cấp - "Save it for a rainy day"
Quỹ khẩn cấp - Bao nhiu thì đủ?

 

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo