Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Tài sản và tiêu sản - Vì sao người giàu ngày càng giàu?
12 Tháng 11, 2021

Hầu hết chúng ta vẫn thường được nghe và sử dụng từ “tài sản” rất nhiều trong cuộc sống hằng ngày. Điển hình là những câu như: tài sản nhà cô A nhiều không để đâu cho hết, hay nhà chú B tài sản nhiều lắm, không đi làm thì cũng không làm sao mà nghèo nổi. Vậy tài sản là gì? Chúng ta đã hiểu đúng về tài sản? Làm sao để sở hữu tài sản mà không phải là tiêu sản? Cùng Ting bóc tách những vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé! 

 

Hiểu đủ và đúng về tài sản 

Tài sản (Asset) được hiểu là những gì bạn bỏ tiền ra để sở hữu và ngay sau đó nó có thể mang tiền về đổ vào túi bạn. Về lâu về dài, số tiền từ loại tài sản mà bạn sở hữu sẽ đều đặn sinh sôi nảy nở vượt xa khỏi số tiền ban đầu bạn bỏ vào. 

Như đã đề cập ở phần mở bài, tài sản được hiển thị dưới đa dạng các hình thức khác nhau và được xếp vào 2 nhóm lớn là tài sản vô hình và tài sản hữu hình. Dưới đây là một vài ví dụ:

Tài sản hữu hình: Đây là những loại tài sản có thể nhìn thấy được do chủ tài sản nắm giữ để sử dụng phục vụ các mục đích của mình. Cụ thể là:

  • Đất đai, nhà cửa, công trình: Đây là dạng tài sản phổ biến và thường xuyên bắt gặp nhất, đặc biệt với thế hệ của ông bà và cha mẹ chúng ta. Hình thức tài sản này cho phép họ có thể sử dụng để tạo ra nguồn tiền thông qua việc cho thuê phòng trọ, văn phòng, kinh doanh nhà hàng, khách sạn,...
  • Trang sức, vàng bạc, kim cương: Đối với các bà và mẹ, tích lũy tài sản kiểu này thì còn gì tiện lợi bằng, vừa có thể sử dụng để làm đẹp đồng thời giá trị của vàng, bạc vẫn luôn được tăng lên theo thời gian.
  • Máy móc, phương tiện vận tải: Loại tài sản này có thể giúp chủ sở hữu dùng hỗ trợ cho công việc tạo ra năng suất và của cải.
  • Sản phẩm nông - lâm nghiệp: vườn cây lâu năm như cà phê, chè, cao su, cây ăn quả,... được thu hoạch hằng năm và mang đi bán.
  • Các loại tài sản cố định khác: Tranh ảnh, các tác phẩm nghệ thuật,...

Tài sản vô hình: Tài sản vô hình là một loại tài sản không có hình thái, không thể nhìn thấy nhưng có giá trị bằng tiền và định lượng được. Một vài ví dụ điển hình như:

  • Bằng sáng chế: Sức mạnh kiếm tiền của bằng sáng chế nằm ở chỗ khi được doanh nghiệp, công ty nào đó muốn áp dụng quy trình từ bằng sáng chế của bạn, họ sẽ phải trả tiền cho bạn dưới dạng tiền bản quyền).
  • Nhượng quyền thương mại: Tương tự với bằng sáng chế thì nhượng quyền thương hiệu cũng có khả năng kiếm tiền nhờ việc quản lý và chia sẻ các hình thức kinh doanh để kiếm tiền.  
  • Cổ phần, cổ phiếu: Cổ phần và cổ phiếu được xem lại loại tài sản vô hình tạo ra nhiều giá trị về vật chất cho người sở hữu theo thời gian. Tuy nhiên cũng đánh đổi không ít may rủi tùy thuộc vào tình hình doanh nghiệp, tình hình kinh tế và thị trường.
  • Sáng tác nhạc, hài kịch: Với các nghệ sĩ, ca sĩ thì những ca khúc nổi tiếng và những tác phẩm tiêu biểu sẽ là tài sản vô giá đối với họ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Quay lại ý ban đầu, bất kể là tài sản hữu hình hay vô hình, nếu thứ gì có thể tạo ra tiền và sinh lời cho chủ sở hữu thì được gọi chung là tài sản. 

 

Vậy còn tiêu sản thì sao

Tiêu sản (Liabilities) là những gì bạn bỏ tiền túi ra để sở hữu chúng, sau đó bạn lại phải tiếp tục bỏ tiền ra để nuôi và duy trì mà không tạo ra giá trị vật chất gì, hoặc có tạo ra giá trị vật chất nhưng không đủ để bù đắp số vốn bạn đã bỏ ra. Rất nhiều người đã lầm tưởng rằng họ đang sở hữu tài sản nhưng thực chất đó là một loại tiêu sản mà họ phải cất công chăm sóc mỗi ngày. 

Giả sử bạn mua một chiếc xe ô tô để phục vụ nhu cầu đi lại cho bản thân và gia đình. Sau đó, bạn lại phải trả thêm tiền để chi cho việc bảo dưỡng, xăng xe, bảo hiểm… để duy trì sử dụng. Chiếc xe khiến bạn tốn nhiều chi phí thay vì tạo ra nguồn thu nhập, lúc này đó chính là một loại tiêu sản được ngụy trang khôn khéo dưới vỏ bọc “tài sản sở hữu”.

Một ví dụ tiêu biểu khác về tiêu sản là căn nhà bạn đang ở. Thử làm một bài toán nhỏ, mỗi tháng bạn sẽ phải ra một số tiền kha khá để trả hàng loạt các hóa đơn: điện, nước, wifi, rác,... Chưa kể nếu đồ đạc hay nhà gặp hỏng hóc thì sẽ phải sơn sửa, bảo dưỡng lại. Thế thì, chắc chắn đây không phải là một dạng tài sản.

 

Phân biệt tài sản và tiêu sản

Điểm khác biệt nằm ở chỗ: tài sản sẽ bỏ thêm tiền vào túi của bạn, trong khi đó tiêu sản lại lấy tiền ra khỏi túi của bạn.

Căn nhà của bạn không phải là tài sản! Tư tưởng trả góp mua nhà để có ‘tài sản’ trong tay là một tư tưởng cần phải xem xét lại. Khi bắt đầu sở hữu một căn nhà trả góp, bạn đồng thời ‘sở hữu’ thêm một loạt các nghĩa vụ về đóng thuế, nghĩa vụ trả góp và trả lãi cho ngân hàng. Chưa kể các khoản trang hoàng và sửa chữa, bảo trì. Từ đầu đến cuối, đều là các dấu hiệu nhận biết của một tiêu sản chính hiệu.

Thế nhưng, căn nhà của bạn trở thành tài sản khi bạn dùng nó để cho thuê. Tiền thuê nhà mang đến thu nhập hàng tháng. Tiền trang hoàng và sửa chữa khi đó trở thành chi phí kinh doanh, có thể đưa vào phần khấu trừ khi tính thuế thu nhập.

Suy nghĩ theo tư duy tài sản - tiêu sản có thể giúp bạn tiêu tiền một cách thông minh và hiệu quả hơn. Mỗi khi dự định tiêu tiền vào một thứ gì đó, hãy dừng lại một chút và phân tích “Đây là tài sản hay tiêu sản?”, “Nó sẽ mang thêm tiền cho mình hay lấy đi tiền của mình?”. Mỗi lần bỏ tiền ra mua cổ phiếu, bạn sẽ cảm thấy hăm hở hơn, vì bạn biết rằng những cổ phiếu này sẽ “làm việc” và mang tiền về cho bạn. Hoặc giả như gần đây bạn vừa mua một chiếc ô tô và đang giận dỗi với bản thân vì không đâu lại nướng tiền vào tiêu sản. Nhưng, nếu bạn dùng nó để chạy thêm dịch vụ gọi xe công nghệ vào giờ rảnh? Bùm, giờ đây chiếc ô tô đó đã trở thành tài sản vì nó mang thêm tiền đến cho bạn. Tiền xăng xe, bảo trì bảo dưỡng, tiền thay lốp xe, v.v. giờ đây trở thành chi phí kinh doanh và có thể liệt kê vào các khoản khấu trừ thuế thu nhập.

 

 

Vì sao người giàu ngày càng giàu còn người nghèo ngày càng nghèo?

Câu trả lời nằm ở tài sản! Không cần nói ra thì ai trong chúng ta cũng đều quá hiểu rằng, người giàu là người sở hữu nhiều tài sản, còn người nghèo là người sở hữu ít hoặc có khi còn không sở hữu nổi tài sản nào. Nhưng đó chỉ mới là mở đầu cho câu chuyện.

Hãy cùng nhìn vào một ví dụ thực tế. Người giàu sở hữu một căn nhà và cho thuê. Trong khi đó, những người lao động vất vả kiếm tiền lại phải trích một phần không nhỏ để trả tiền thuê nhà mỗi tháng. Theo đó, mỗi tháng, ngoài tài sản sẵn có, người giàu lại có thêm thu nhập còn người lao động lại mất đi thu nhập. Cứ như thế, sau một thời gian, người giàu lại có thêm tiền để mua cho mình những tài sản mới, còn người lao động lại càng lúc càng ở xa mục tiêu sở hữu tài sản của mình hơn.

 

Vậy tôi phải làm gì?

Tin tốt là, bạn hoàn toàn có thể thay đổi cục diện và bước sang đầu bên kia của cán cân. Để làm được điều này, tất cả bạn cần có là quyết tâm. Chỉ cần bạn kiên trì tích lũy thông qua tiết kiệm và đầu tư. Ngày qua ngày, với sức mạnh của lãi cộng dồn, bạn sẽ từng bước từng bước tiến gần hơn đến mục tiêu của mình. Nếu bạn không có quá nhiều tiền, hãy bắt đầu từ những món đầu tư nhỏ, chỉ từ vài trăm nghìn, chẳng hạn như cổ phiếu. Luôn tỉnh táo để tiêu tiền vào tiêu sản càng ít càng tốt và vào tài sản càng nhiều càng tốt. Không có con đường tắt nào dẫn đến sự giàu có. Hãy kiên định với mục tiêu của mình, rồi thành công sẽ đến với bạn như một điều tất yếu. Chúc bạn thật nhiều may mắn và thành công trên hành trình của mình nhé!

 

Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo