Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Tiết kiệm để không tiếc nuối!
4 Tháng 11, 2021

Đề cập đến một lối sống lành mạnh, sẽ thật thiếu sót nếu “tiết kiệm” không được gọi tên. Việc có quỹ tiết kiệm “thủ sẵn” đồng nghĩa với việc sẽ không cần lo lắng về những chuyện mà “lỡ chẳng may…” sẽ xảy ra - Lỡ chẳng may dịch quá công ty đóng cửa, nhân viên mất việc, lỡ chẳng may cái máy tính đang làm việc dở chứng lăn đùng ra “đình công”... Tương lai có vô vàn thứ “tự nhiên” xảy ra mà ta sẽ chẳng kịp sửa soạn để chào đón. Vậy nên, một quỹ tiết kiệm sẽ thay bạn đối phó với những chuyện thật “trời ơi đất hỡi này”. 
 
Và, nếu chỉ đề cập như thế thì vẫn chưa thể “khoe” được hết công dụng của tiết kiệm. Bởi ngoài việc đảm bảo cho các trường hợp khẩn cấp ở tương lai, tiết kiệm còn là cơ hội giúp bạn có thể kiếm tiền thông qua đầu tư hay phát triển một ý tưởng khởi nghiệp nào đó. Lúc này, khẩu hiệu “độc lập - tự do - hạnh phúc” sẽ chính là cuộc sống của bạn.

 

#1. Chi trả cho bản thân trước - Pay Yourself First

Chi trả cho bản thân trước - tiếng Anh còn gọi là Pay Yourself First là một phương pháp tiết kiệm vô cùng lợi hại xuất phát từ “Người giàu có nhất thành Babylon” - một cuốn sách chuyên về giáo dục tài chính. Phương pháp này gợi ý mọi người tiết kiệm 10% thu nhập hằng tháng trước khi chi trả cho bất kỳ khoản chi nào khác. Giả sử tiền lương của bạn là 20 triệu đồng, mỗi tháng bạn tự động trích ra 2 triệu cho vào quỹ tiết kiệm trước khi chi trả các chi phí cố định như tiền ăn, thuê nhà, điện nước, học hành,... Nếu duy trì thói quen này trong vòng một năm, bạn đã có thể dư ra một khoản tiền tiết kiệm kha khá một cách dễ dàng. Và nếu bạn không làm gì, tất nhiên, sẽ chẳng có gì dư ra, ngoại trừ các hóa đơn đã thanh toán giúp ví bạn nhìn trông có vẻ “dày” hơn.

Hãy tưởng tượng bạn sẽ như thế nào nếu mỗi tháng bạn nhận lương, và sau 1 hoặc 2 tuần số tiền “biến” đâu mất tiêu. Bạn sẽ tự hỏi mình đi làm vì cái gì? Vì những tờ hóa đơn? Khi bạn áp dụng phương pháp chi trả cho bản thân trước, như việc dành ra 10% thu nhập mỗi tháng cho bản thân, điều này sẽ mang cho bạn cảm giác đạt được một thành tựu gì đó và hơn hết bạn sẽ thấy bản thân tạo được nhiều giá trị hơn! 

 

#2. Giữ lại tiền thừa

Đừng coi thường những tờ tiền lẻ và sức mạnh của nó. Ông bà ta vẫn thường nói, “tích tiểu thành đại”. Giả sử như bạn đã thiết kế nên một ngân sách chi tiêu thật hoàn hảo, ngoài khoản cố định để chi trả cho các hóa đơn hay những khoản tiết kiệm, bạn sẽ dành ra một khoản “ngân sách dự phòng” nho nhỏ, tầm 1 đến 2 triệu... để cuộc sống “dễ thở” hơn một chút 😅. Ngỡ đâu tình cờ bạn được rủ đi ăn, hay một ngày đẹp trời bỗng chiếc xe yêu quý “tỏ thái độ” với bạn, gọi chung là những lúc “cấp bách” thì bạn đã có sẵn một khoản để dùng mà không phạm vào những khoản cố định sẵn trước đó.
Trường hợp đến kỳ lương tiếp theo bạn vẫn chưa tiêu hết khoản dự phòng, có lúc thừa lại vài chục nghìn, có khi nhiều hơn. Lúc này, hãy chuyển hết phần tiền thừa vào một tài khoản tiết kiệm và để chúng tích lũy dần theo thời gian. 100 nghìn có thể nghe không nhiều lắm, nhưng nếu tháng nào cũng thêm nó vào tài khoản tiết kiệm, chẳng mấy chốc bạn sẽ có 1 triệu, rồi 10 triệu lúc nào không hay.

 

 

#3. Chờ đợi là hạnh phúc

Hiểu rõ bản thân luôn là chuyện quan trọng xét trên mọi phương diện không ngoại trừ việc tích lũy tài sản. Bạn cần nhận biết được đâu là những thói quen có lợi và hại cho bản thân. Ví dụ, bạn là người thích mua sắm, thường xuyên mua sắm tùy hứng mặc kệ nhu cầu có cần hay không, điều này rõ ràng sẽ khiến bạn gặp không ít những rắc rối. Chưa kể, mua sắm online đã đá văng đi biên giới về không gian, thời gian mua sắm, chúng ta dễ dàng mua sắm mọi lúc mọi nơi, đơn giản và tiện lợi chỉ với 1 cú click. Vậy làm sao đây?  Nếu đã nhận biết được điểm yếu trong hành vi của bản thân, bạn đã có hơn một cơ hội thay đổi mình thành một phiên bản tốt hơn. Bớt mua sắm lại! Để làm được điều này, bạn cần tạo cho bản thân một khoảng thời gian chờ đợi khi mua hàng online. Nghĩa là, bất cứ thứ gì bạn cho vào giỏ hàng, hãy đợi sau ba ngày hẳn đi đến quyết định. Điều gì sẽ diễn ra trong 3 ngày đó? Ngẫu hứng và bốc đồng sẽ chết đi. Khi quay trở lại, lúc này bạn sẽ nhận biết được đâu là những món đồ bạn thực sự cần mua, tương tự, những món đồ bớt quan trọng hơn cũng sẽ được bỏ ra khỏi danh sách.

 

#4. Đừng ra quyết định với một “chiếc bụng đói”

Nghe có vẻ mắc cười, thế nhưng ông bà ta cũng đã dặn rằng “khi đói thì con mắt luôn đi trước cái bụng”, bạn hẳn sẽ phải trả một cái giá đắt về chuyện đã bỏ đói bản thân trong lúc mua sắm thực phẩm tại siêu thị hay cửa hàng nào đó. Có thể bạn sẽ không để ý thế nhưng luôn có sự khác biệt lớn trong các hóa đơn siêu thị chỉ bằng cách đi sau bữa ăn thay vì trước đó. Chắc chắn đây là điều bạn không bao giờ nghĩ đến. Bạn sẽ luôn thấy mọi thứ đều hấp dẫn, ngon và xứng đáng nằm trong chiếc xe đẩy của mình. Chỉ khi trở về nhà ăn uống no say, lúc này bạn sẽ nhận ra ngân sách đã vượt quá giới hạn. Và thật buồn vì mọi sự đã rồi!

 

 

#5. Ly thân tiết kiệm với tài khoản chính

Tách biệt các khoản tiền để dành được xem là một đòn tâm lý giúp kích hoạt não bộ của bạn có trách nhiệm nhiều hơn cho việc tiết kiệm. Đây cũng được xem là một phương pháp hỗ trợ bài tiết đi những ham muốn, nhu cầu mua sắm của bản thân. Với một số tiền tiết kiệm không quá lớn, bạn có thể bắt đầu với tiền mặt. Tại sao? Bởi tiền mặt cho bạn một cảm giác chân thực. Thay vì nhìn những dãy số điện tử qua màn hình, bạn sẽ cầm số tiền trên tay, lúc này bạn sẽ không muốn xé lẻ số tiền với mệnh giá lớn chỉ để chi cho những trường hợp không cần thiết. 

Với khoản tiết kiệm lớn hơn thì sao, bạn cần một tài khoản tiết kiệm thực ở ngân hàng. Để tiện theo dõi, bạn có thể mở tài khoản tiết kiệm cùng với tài khoản đang sử dụng, điều này giúp bạn dễ theo dõi được quá trình sử dụng qua lại giữa hai tài khoản nhưng vẫn đảm bảo được sự tách bạch. Thêm vào đó, cạnh số tiền để dành mỗi tháng, tài khoản tiết kiệm còn là nơi để bạn bỏ vào các khoản tiền dư ra cho mỗi dịp đặc biệt, như khấu trừ thuế thu nhập cá nhân hằng năm chẳng hạn. 

Sau cùng, với sự tách bạch ngay từ đầu, giờ đây nhìn vào dãy số hiện ra trước mặt, bạn hoàn toàn có thể tự hào về bản thân: “đây chính là số tiền mình đã tiết kiệm được, chính mình chứ không phải ai hết”.

Vậy đấy, tất cả đều là bẫy tâm lý. Vững tin lên. 

(Theo Quit Your Job)

 

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo