Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Các loại bảo hiểm người lao động cần đóng (Phần 2)
11 Tháng 1, 2022

 

Tham gia bảo hiểm bắt buộc (BHXH, BHYT, BHTN) tại doanh nghiệp

Bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là một trong những chính sách an sinh xã hội tốt cho người lao động. Bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và bảo hiểm thất nghiệp. 

Tham gia các hình thức bảo hiểm bắt buộc vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của người lao động. Các bảo hiểm này sẽ bảo vệ người lao động trước những rủi ro của cuộc sống như ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, v.v.. Không những thế, bảo hiểm còn góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi đã hết tuổi lao động hoặc không còn khả năng lao động.

Các loại bảo hiểm bắt buộc

Những loại hình bảo hiểm bắt buộc mà người lao động hiện nay cần phải tham gia bao gồm:

  • Bảo hiểm xã hội (BHXH): hỗ trợ người lao động trong những trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất;
  • Bảo hiểm y tế (BHYT): hỗ trợ người lao động chi trả chi phí khám chữa bệnh;
  • Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN): hỗ trợ bù đắp một phần thu nhập khi người lao động bị mất việc làm.

Đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc

Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
  • Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, có thời hạn từ 03 tháng trở lên;
  • Cán bộ, công chức, viên chức, công nhân quốc phòng, công an, sĩ quan, quân nhân;
  • Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã có hưởng tiền lương.

Mức đóng bảo hiểm bắt buộc

Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, quy định mức đóng bảo hiểm đối với người lao động như sau:

  • Mức đóng BHXH: 8%
  • Mức đóng BHYT: 1,5%
  • Mức đóng BHTN: 1%

Theo đó, tổng số tiền mỗi người lao động phải đóng khi tham gia bảo hiểm bắt buộc là 10,5%.

Ngoài ra, theo quy định, mức đóng BHXH và BHYT được tính trên mức tiền lương không quá 20 lần lương cơ sở. Với mức lương cơ sở thời điểm hiện tại là 1.490.000đ thì mức tiền lương tối đa để tính mức đóng BHXH và BHYT là không quá 1.490.000đ x 20 = 29.800.000đ.

Khác với hai loại bảo hiểm trên, mức đóng BHTN được tính trên mức tiền lương không quá 20 lần lương tối thiểu vùng. Chẳng hạn, với mức lương tối thiểu ở vùng I là 4.420.000đ/tháng, thì mức đóng BHTN được tính trên mức tiền lương không quá 4.420.000đ x 20 = 88.400.000đ.

Vùng áp dụng

Mức lương tối thiểu

Vùng I

4.420.000 đồng/ tháng

Vùng II

3.920.000 đồng/ tháng

Vùng III

3.430.000 đồng/ tháng

Vùng IV

3.070.000 đồng/ tháng

Mức lương tối thiểu vùng

 

Ví dụ về cách tính bảo hiểm bắt buộc

Ngọc có thu nhập từ lương hàng tháng là 50.000.000 đồng. Mức đóng bảo hiểm bắt buộc của Ngọc như sau:
Bảo hiểm xã hội (8%) - không quá 20 lần lương cơ sở (29.800.000 đ):
29.800.000 × 8% = 2.384.000
Bảo hiểm y tế (1,5%) - không quá 20 lần lương cơ sở (29.800.000 đ):
29.800.000 × 1,5% = 447.000
Bảo hiểm thất nghiệp (1%) - không quá 20 lần lương tối thiểu vùng (88.400.000đ):
50.000.000 × 1% = 500.000

Tổng bảo hiểm bắt buộc = 2.384.000 + 447.000 + 500.000 = 3.331.000
Thu nhập tính thuế TNCN = 50.000.000 - 3.331.000 = 46.669.000

Phần thu nhập chịu thuế TNCN mà Ngọc phải đóng sẽ dựa trên cơ sở thu nhập tính thuế TNCN là 46.669.000, tiếp tục trừ đi giảm trừ gia cảnh bản thân 11.000.000 và giảm trừ gia cảnh người phụ thuộc 4.400.000/người. Phần thu nhập chịu thuế còn lại sau khi giảm trừ sẽ được tính theo phương pháp biểu thuế suất lũy tiến như đã trình bày ở phần trước.

 

Lợi ích khi tham gia bảo hiểm bắt buộc

Các chính sách của Bảo hiểm xã hội nhằm mục đích đảm bảo đời sống vật chất, an sinh xã hội cho người dân.

  • Với bảo hiểm xã hội, người tham gia được hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.
  • Với bảo hiểm y tế người tham gia được giảm trừ chi phí khám chữa bệnh tại các bệnh viện.
  • Với bảo hiểm thất nghiệp, sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có thể làm thủ tục nhận trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hoặc bảo lưu. 

Trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp

Điều kiện

Để hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần phải thỏa một số điều kiện sau đây:

  • Chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật.
  • Chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.
  • Người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ:
    • 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp: hợp đồng lao động có xác định và không xác định thời hạn.
    • 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đới với các trường hợp: ký hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
  • Người lao động đã đăng ký thất nghiệp và nộp hồ sơ hưởng trợ cấp tại Trung tâm dịch vụ việc làm.
  • Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. 

Thời gian

Thời gian nộp hồ sơ xin trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp: trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Theo đó, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính theo công thức sau:

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng = Mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp x 60%

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp

Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp được cho dưới bảng sau:

Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp

Thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp

Đủ từ 12 tháng đến dưới 36 tháng

3 tháng

Đủ từ 36 tháng đến dưới 72 tháng

6 tháng

Đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng

9 tháng

Đủ 144 tháng trở lên

12 tháng

 

Hưởng BHXH 1 lần

  • Điều kiện để một người được hưởng điều kiện BHXH 1 lần:
    • Người tham gia Bảo hiểm Bắt buộc sau 01 năm nghỉ việc.
    • Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
    • Ra nước ngoài định cư hoặc mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
  • Mức hưởng BHXH sẽ còn phụ thuộc:
    • Số năm người lao động đã đóng BHXH.
    • Một năm đóng BHXH sẽ được hưởng 2 tháng lương bình quân.
    • Trường hợp người lao động đóng chưa đủ một năm sẽ tính mức bằng 22% mức lương bình quân tháng (tối đa nhận 2 tháng lương).

 

Chế độ hưu trí với người tham gia bảo hiểm bắt buộc

Cách tính mức hưởng lương hưu tháng

Mức lương hưu tháng = TLHLH x MBQ

Trong đó:

  • TLHLH: Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng:
    • TLHLH = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - K năm) x 2%
      **K là 15 năm với nữ và 20 năm với nam
    • Tỷ lệ hưởng tối đa là 75%
  • MBQ: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
  • Điều kiện để được hưởng chế độ hưu trí:
    • Nghỉ việc đã đóng đủ BHXH 20 năm trở lên và đến tuổi nghỉ hưu.
    • Đủ 15 năm đối với công việc nặng nhọc, độc hại, làm việc trong hầm mỏ. 

Hi vọng với những kiến thức Ting mang đến trong cả hai phần của chuỗi bài viết có thể giúp bạn giải đáp được những thắc mắc đang gặp phải. Theo dõi Ting để cập nhật thêm nhiều thông tin hơn nữa nhé! 

 

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo