Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Quản lý tài chính cá nhân đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào
22 Tháng 7, 2021

 

Mỗi người có quan điểm về việc quản lý tài chính cá nhân riêng cho bản thân. Phần nhiều dựa trên điểm xuất phát của mỗi người, có người sinh ra đã ở vạch đích, có người sẽ bắt đầu bằng con số 0. Tuy nhiên ngoài điểm xuất phát ấy, tôi tin là thái độ và hành vi của mình mới là thứ quyết định tất cả.

 

Tự do tài chính đến từ tư duy tự chủ và độc lập trong cuộc sống

Xuất thân trong một gia đình không mấy khá giả, từ nhỏ tôi đã nuôi dưỡng một suy nghĩ sau này khi lớn lên tài chính phải thật ổn định để có thể lo lắng được cho con cái và phụng dưỡng ba mẹ.

Năm 20 tuổi, khi bước vào năm 2 đại học tôi đã bắt đầu tìm kiếm công việc làm thêm đầu tiên ngoài giờ học và duy trì liên tục việc đó cho đến khi tốt nghiệp. Ba mẹ tôi khi ấy không mấy ủng hộ việc tôi đi làm thêm nhưng tôi đã cố gắng thuyết phục. Kết quả là tôi đã làm được, tôi đã có thể tự đóng tiền học đại học, học thêm tiếng anh và còn có tiền dư để tiêu vặt riêng cho bản thân nữa. Vậy là bước đầu, tôi đã có một thành tựu nho nhỏ cho bản thân, không phải xin tiền ba mẹ, xài tiền do chính mình làm ra thật sự rất thích.

Tốt nghiệp ra trường và bắt đầu cuộc hành trình của người trưởng thành. Tôi bắt đầu đi làm và dần có thu nhập ổn định. Có một thời gian tôi đã nghĩ rằng nếu mình có nhiều tiền để mua bất cứ cái gì mình muốn, không cần nhìn giá, không cần phải suy nghĩ gì thì lúc đó mình đã đạt được tự do tài chính. Nhưng sự thật ngược lại, càng làm ra nhiều tiền, tôi lại càng thấy mình có nhu cầu tiêu xài nhiều hơn. Có lúc tôi từng là một người nghiện mua sắm, càng stress trong công việc tôi lại càng tiêu tiền như một cách để thư giãn. Cho đến khi tôi nhận ra mình đã đi quá xa vì lúc ấy tôi không còn tự chủ nữa, mà đã trở nên “xài tiền để mua vui”.

Một bài học đắt giá nhưng trưởng thành lên từ đó là điều tôi tâm đắc trên hành trình tiến đến sự tự do tài chính của mình. Từ khi biết đến khái niệm chi tiêu “ngân sách dựa vào số không” (zero-based budget) và bám sát nó theo phương pháp riêng phù hợp với mình, tôi đã cảm thấy tự do hoàn toàn với đồng tiền mình làm ra. Từ đó với kế hoạch chi tiêu có sẵn, tôi có thể mua bất cứ thứ gì tôi muốn, miễn nằm trong phạm vi quy định hàng tháng. Nói một cách khác tôi thấy mình đã biết tiêu tiền thông minh hơn bằng cách chi tiêu cho những thứ có lợi ích hơn về lâu dài.

Tôi bắt đầu lên ngân sách chi tiêu một cách phù hợp theo công thức “tiền kiếm được - tiền chi tiêu = 0”, mà đa số sau phép tính ấy thường là 0 đến dương (+) chứ ít khi nào âm (-) (trừ trường hợp bất khả kháng). Và dưới đây là những khoản quan trọng của tôi:

  • Tiền tiết kiệm: 10%
  • Tiền đầu tư: 20%
  • Tiền nhà (các khoản liên quan đến việc duy trì chỗ ở: thuê nhà, điện nước, internet, v.v.): 10%
  • Ăn uống trong gia đình (chi phí đi chợ/ siêu thị, ăn hàng quán, v.v.): 10%
  • Chi phí đi lại (xăng xe, bảo dưỡng xe, grab/ taxi, v.v.): 5%
  • Thuế & bảo hiểm (các khoản thuế, bảo hiểm, v.v.): 5%
  • Các khoản nợ, trả góp (các khoản vay mua nhà/đất, xe cộ, v.v., bao gồm các khoản mua đầu tư): 20%
  • Life-style (học phí, thể thao, quần áo, mỹ phẩm, gặp gỡ bạn bè, du lịch, từ thiện, v.v. và những khoản nhỏ phát sinh không nằm trong các mục cố định trên thì đưa vào đây): 20% - đây là khoản chi tiêu linh hoạt trong tháng vì có tháng tôi không chi tiêu đến 20% thì tôi sẽ chuyển phần dư qua khoản tiền đầu tư cho tháng sau.

Tuỳ vào hoàn cảnh bạn độc thân, hay mới lập gia đình chưa có con, hay sống chung ở nhà bố mẹ thì các tỷ lệ này sẽ linh hoạt. Tuy nhiên một điều bất di bất dịch là tôi luôn để tối thiểu 30% thu nhập hàng tháng để tiết kiệm và đầu tư vì tôi xem đó là “chi phí đầu tư cho tương lai”.

Với cá nhân tôi, hiệu quả của việc áp dụng phương pháp trên bắt đầu rõ nét nhất khi tôi mua căn hộ đầu tiên cho mình vào thời điểm tôi mới sinh con. Đồng thời cũng là thời điểm tôi chuyển hướng nghề nghiệp từ môi trường công ty đa quốc gia sau hơn 10 năm đi làm, sang môi trường phi lợi nhuận ở tổ chức do tôi và những người bạn đồng sáng lập. Chắc đọc tới đây bạn cũng ngạc nhiên tự hỏi tại sao làm việc ở phi lợi nhuận có thể có tự do tài chính? Nhưng thực tế ngược lại dựa trên trải nghiệm của cá nhân tôi là chúng ta nên có sự tự do tài chính trước khi dấn thân hoàn toàn vào môi trường phi lợi nhuận để có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho cộng đồng xã hội.

Và sau 5 năm “life time" với công việc tại tổ chức phi lợi nhuận thì sự tự do tài chính của tôi cũng tăng tỷ lệ thuận theo sự tự do trong công việc và cuộc sống. Tôi cảm thấy mình tự do khi tôi không ngừng thực hành cách quản lý chi tiêu, tiếp tục tiết kiệm và đặc biệt luôn luôn học hỏi tìm kiếm những cơ hội đầu tư để tiền đẻ ra tiền phù hợp với khả năng lẫn nguồn lực của mình. Để từ một căn hộ đầu tiên, rồi đến căn hộ thứ hai, đến những kế hoạch nhà cửa rộng rãi hơn để ba mẹ thoải mái an dưỡng tuổi già và những khoản bảo hiểm để tôi có thể yên tâm cho con mình được theo đuổi nền học vấn trong điều kiện phù hợp nhất. Từng bước từng bước một tôi cứ bước đi không chậm mà chắc như thế trong thời gian qua, để thấy rằng khi mình càng hiểu biết hơn về giá trị đồng tiền thì mình càng cảm thấy được “ tự do" hơn.

 

Trong một bài phát biểu tại sự kiện Opening Ceremony welcome VietSeeds F10. Nguồn: VietSeeds.

 

Tôi muốn đầu tư vào con người

Tôi nhận thấy từ việc đầu tư cho bản thân và may mắn gặp được những nhân duyên tiếp thêm động lực cho mình, thì tại sao tôi không dấn thân vào hành trình đầu tư cho người khác?! Tôi có niềm tin rằng các bạn trẻ có tiềm năng, ý chí và nội lực vững vàng một khi được tiếp cận cơ hội giáo dục bình đẳng và nâng cao các năng lực từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, các bạn sẽ chạm tới một cuộc sống thiện lành và tự chủ tài chính. Để từ đó các bạn tiếp tục lan tỏa sự tử tế ra cộng đồng, xã hội và những thế hệ tiếp nối.

Chính việc tự do về tài chính giúp tôi tự tin hơn trong quyết định lựa chọn con đường sự nghiệp tương lai của mình mà không phải lo nghĩ quá nhiều về việc hàng tháng tôi phải nhận một mức lương quá nhiều số 0 như bạn bè đồng trang lứa. Đó là lúc tôi quyết định lui về làm việc toàn thời gian cho tổ chức Phi lợi nhuận (NGO) mà tôi đồng sáng lập với những người bạn. Cũng chính tôi là người đầu tiên trong tổ chức dồn toàn bộ thời gian mình có cho các công việc tại NGO. Với background học kinh tế, tôi phải mày mò học rất nhiều thứ và ngã sấp mặt với rất nhiều bài học nhớ đời. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy quyết định chuyển hướng này của mình là sai, mà ngược lại nó đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới hơn trong cuộc sống với những góc nhìn đa chiều, những tư duy cởi mở cùng những mối quan hệ tích cực.

Được làm việc mình yêu thích là thế nhưng tồn tại song song là những áp lực vô hình không kể hết. Một trong những áp lực đó đến từ việc quản lý nguồn tiền quyên góp được một cách hiệu quả mà vẫn đảm bảo tính minh bạch. Tôi cam đoan với bạn khi dùng tiền của người khác sẽ áp lực hơn rất nhiều khi dùng tiền của chính mình kiếm được. Nhưng nhờ kinh nghiệm trong việc quản lý tài chính cá nhân và tinh thần không ngừng học hỏi tôi không ngại dấn thân trên hành trình mà “mấy ai dại dột bước vào”. Và đặc biệt hành trình này đã khiến tôi sáng suốt và trưởng thành hơn với các quyết định đối với bản thân và tổ chức mình đang điều hành. Từ đó, tôi có thêm nhiều thông tin bổ ích để tiếp tục duy trì sự tự do tài chính song song với việc toàn tâm toàn ý đầu tư thời gian và công sức của mình hỗ trợ người khác bước đi trên con đường này, dù tôi chưa bao giờ kể là tôi tự hào về thành quả nhỏ bé này của mình thế nào.

 

Biết ơn những gì mình đang có và quyết tâm theo đuổi giấc mơ đến cùng

Ai cũng có những giấc mơ ấp ủ riêng của mình và tôi cũng không ngoại lệ. Khi tôi dành ra những khoản tiết kiệm và đầu tư là phần tôi dành để ấp ủ cho những ước mơ tương lai của mình. Như vậy mỗi dự định trong tương lai đều được gắn liền với những bước đi thực tế trong hiện tại để thấy sự hiện hữu của bức tranh ước mơ ngày càng rõ ràng hơn. Thay vì cảm thấy rất mơ mộng viển vông về giấc mơ, thì tôi biết mình đang làm gì trong hiện tại để đặt nền móng biến ước mơ của mình thành hiện thực. Chính việc này khiến tôi có thêm động lực và quyết tâm mạnh mẽ theo đuổi giấc mơ của mình đến cùng. Và chắc chắn cái gì cũng có cái giá của nó, tôi có niềm tin rằng chúng ta có thể bắt tay ngay từ bây giờ bằng một kế hoạch với mục tiêu rõ ràng và quản lý việc “chi trả” cho giấc mơ đó ngay từ hôm nay.

 

Một trong những buổi đào tạo về chủ đề Time management cho sinh viên tại Hà Nội. Nguồn: VietSeeds.

 

Mặc dù tôi đang cống hiến thời gian, công sức cho một tổ chức thiện nguyện và luôn còn nhiều việc, nhiều dự án cần đến tiền để phát triển hơn nữa, nhưng tôi vẫn luôn khuyến khích các em sinh viên trong tổ chức của mình không ngừng cho đi. Vì tôi có niềm tin mãnh liệt chỉ khi mình sẵn sàng cống hiến trong khả năng của mình thì bản thân mới học được cách biết ơn những gì mình đang có trong cuộc sống. Đối với tôi, việc quản lý tài chính cá nhân cũng giống như quản lý chính bản thân mình (self management), sẽ khiến cho cuộc sống dễ dàng hơn rất nhiều.

Dù hành trình tôi đang đi sẽ còn dài nhưng tôi đã tìm thấy được sự bình yên hơn trong cuộc sống với những khoảnh khắc hạnh phúc trong hiện tại. Đó là những thay đổi tích cực tôi có được trên hành trình sống và trải nghiệm của mình thông qua việc học cách quản lý tài chính cá nhân. Quản lý tài chính cá nhân thật sự quan trọng, cần thiết và có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Và câu trả lời cho thời điểm nào bắt đầu bài học này là nằm ở bạn. Bạn sẽ nhận ra việc bạn quản lý tiền kiếm được còn quan trọng hơn việc kiếm ra bao nhiêu tiền. Và mỗi người trong chúng ta, ai rồi cũng sẽ “ngộ” ra những điều mới mẻ đến bất ngờ khi nhìn vào “tài sản” của mình. Tôi hy vọng rằng bạn cũng đang và sẽ bước đi vững vàng trên con đường của chính mình lựa chọn.

 

Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo