Tại sao dù đã chăm chỉ tiết kiệm nhưng mãi vẫn không dư được bao nhiêu? Nếu bạn nghĩ rằng lý do nằm ở thu nhập thì hoàn toàn đúng, nhưng vẫn chưa đủ. Vấn đề đặt ra cho câu chuyện thiếu tiền tiết kiệm đa phần chịu ảnh hưởng từ việc chi tiêu nhiều, thu nhập thấp không là mối bận tâm lớn, đôi khi còn là lý do để bào chữa cho việc chi tiêu mua sắm bốc đồng của bản thân. Về mặt lợi ích của cả chi tiêu hợp lý và tiết kiệm thì như một bài Quốc ca, ai cũng thuộc làu và hát được. Thế nhưng Ting đảm bảo để trở thành một nhà “Chi Tiêu Học” thông thái thì không phải ai cũng có thể.
Kakeibo - khi tiêu xài là một nghệ thuật
Vượt ra khỏi lãnh thổ nước Nhật, Kakeibo được xem là phương pháp quản lý tài chính hiệu quả mà nhiều người có thể áp dụng để cải thiện tình trạng sức khỏe tài chính cá nhân. Kakeibo phát âm là kah-keh-boh, xuất hiện vào năm 1904 do Motoko Hani - nữ nhà báo đầu tiên của Nhật sáng tạo ra. Với phụ nữ Nhật, Kakeibo là thứ vũ khí đắc lực đã giải phóng họ ra khỏi những căng thẳng về việc kiểm soát chi tiêu, tài chính cá nhân và gia đình.
Phương pháp Kakeibo chỉ ra như sau: Vào đầu mỗi tháng, bạn sẽ ngồi xuống và lên kế hoạch cho những gì bạn sẽ chi tiêu, những gì bạn sẽ tiết kiệm và cả những việc cần làm để đạt được tất cả mục tiêu. Sau đó thì nhìn lại một lần và nữa và bắt tay vào thực hiện. Nghe có vẻ đơn giản nhỉ, giờ thử đi sâu một tí nữa nhé!
Để mắt đến chi tiêu
Việc đánh giá và nhìn nhận tầm quan trọng của chi tiêu thực sự rất cần thiết. Phải “chi tiêu giỏi” thì mới có thể “tiết kiệm tốt”. Về cơ bản, chúng ta làm việc chăm chỉ ngày đêm chỉ để được tận hưởng cuộc sống thoải mái hơn. Việc tập trung quá nhiều vào công cuộc tiết kiệm mà bỏ đi những tiện ích nâng cao chất lượng cuộc sống chắc chắn không phải là một ý kiến hay. So với những trăn trở về tiết kiệm thì việc thiết lập danh sách chi tiêu thông minh sẽ giúp mọi chuyện dễ dàng và thú vị hơn rất nhiều.
Viết xuống tất cả mọi thứ
Kakeibo đề cao việc ghi chép lại tất cả các khoản chi tiêu, giao dịch ra sổ. Điều này còn được xem như một bài tập thiền chánh niệm. Khi mọi thứ ngày càng vội vã, mua bán cũng trở nên nhanh chóng hơn thì việc viết xuống mọi thứ sẽ giúp chúng ta bình tĩnh, có tính toán và cân nhắc hơn khi ra quyết định chọn mua một món hàng.
Giống một nghi lễ lặp đi lặp lại, vào đầu mỗi tháng, Kakeibo yêu cầu người thực hiện phải vắt sạch túi và tổng kết toàn bộ số tiền có mặt trong tháng từ tất cả các nguồn thu nhập. Bước tiếp theo, lấy ra phần tiền cho khoản “chi tiêu cố định”, đây là những thứ bắt buộc phải trả để đảm bảo những nhu cầu cơ bản của bản thân như tiền thuê nhà, điện nước, xăng xe… Số dư còn lại sẽ là phần dành cho tiết kiệm và chi tiêu.
Rạch ròi giữa “nhu cầu” và “ham muốn”
Áp dụng Kakeibo tương tự như việc kê khai tài chính cá nhân. Nếu tuân thủ thực hiện đến bước cuối cùng, bạn dễ dàng có thể truy vết được mọi hành tung nơi tất cả số tiền của bạn đã đến và cả các nguồn thu nhập bạn nhận được.
Công việc cụ thể của Kakeibo là phân chia nhu cầu chi tiêu ra nhiều mục khác nhau, càng cụ thể càng tốt, càng chi tiết càng dễ tối ưu. Một mục cho việc phân loại này ví dụ như mục “buồn miệng” - nghĩa là những thức ăn, đồ uống bạn bỏ tiền ra nhưng chỉ với mục đích ăn cho vui, không cần thiết xuất hiện trong thực đơn dinh dưỡng của bạn. Như trà sữa, cà phê, bánh tráng trộn, bông lan trứng muối, cóc ổi mía ghim…. Dưới góc nhìn của một nhà “Chi Tiêu Học”, đó là những thứ không cần thiết, nếu đủ can đảm cắt được thì phải cắt ngay.
Bản chất của việc cụ thể chi tiêu mà Kakeibo đề cập đến là để tách bạch ra đâu là khoản chi sẽ thuộc về “nhu cầu” và đâu sẽ thuộc về “ham muốn”. Nhu cầu là những thứ bạn thực sự cần, bạn không thể sống thiếu. Chẳng hạn như việc ăn, chúng ta phải ăn, đó là chi tiêu thuộc nhóm nhu cầu. Thế nhưng, nếu việc ăn của bạn lại liên tục nằm ở những hàng quán, nhà hàng, khách sạn và ngốn đi bộn tiền của bạn thì đây chắc chắn là bạn đang chi trả cho những ham muốn riêng của mình. Tương tự với quần áo, tất cả chúng ta đều phải cần đến, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn đốt phần lớn số tiền kiếm được vào các cửa hàng thời trang xa xỉ.
Việc viết xuống mọi thói quen và phân loại các hạng mục chi tiêu đòi hỏi sự thành thật và mức độ tôn trọng của bạn đối với bản thân mình. Khi đã có đầy đủ dữ liệu và phân tích kỹ càng, giờ đây bạn có thể xác định được đâu là những mục bạn có thể cắt giảm.
Nhờ sự giúp đỡ của công nghệ
Sự tiện lợi của các loại thẻ thanh toán khiến việc quyết định mua hàng trở nên nhanh chóng và cũng nhiều bốc đồng. Trong khi đó, sử dụng tiền mặt lại có thể làm chậm đi quá trình mua, trao cho bạn nhiều khả năng kiểm soát hành vi của mình. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển và chuyển mình của xã hội, nơi tiền mặt không còn nhận được nhiều ưu ái thay vào đó là sự xuất hiện của các ví điện tử khiến cuộc chơi và những lời khuyên có phần chuyển hướng. Dưới sự hỗ trợ của các ví điện tử, bạn có thể dễ dàng theo dõi và quản lý được mọi giao dịch mua bán. Bằng việc kết hợp Kakeibo và ví điện tử để theo dõi song song, “công chuyện” sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Sử dụng ví Ting có thể giúp bạn theo dõi và thống kê các chi tiêu của mình
Đừng quên nhìn nhận và đánh giá
Vào cuối mỗi tháng, Kakeibo yêu cầu bạn xem xét kỹ lưỡng việc chi tiêu trong bốn tuần qua của mình, thừa nhận những thành công và điểm yếu đồng thời đặt mục tiêu cho tháng tiếp theo trong lúc chờ tháng lương mới đang trên đường về. Bằng cách nhìn những thành quả nho nhỏ đạt được, bạn sẽ có thêm nhiều động lực và sẽ càng yêu thích hoạt động này hơn. Hãy kiên trì theo dõi ghi chép và đừng quên tự thưởng cho bản thân sau một tháng nỗ lực chi tiêu hiệu quả.
Việc để trở thành một nhà “Chi Tiêu Học” thông thái từ những bài học của Kakeibo cho thấy bất kỳ ai tại bất kỳ thời điểm nào cũng có thể để bắt đầu áp dụng thực hành. Thế nhưng để chặng đường đi được những bước dài hơi, đạt được những mục tiêu tài chính cao hơn sẽ đòi hỏi rất nhiều sự nghiêm túc, nỗ lực và kỷ luật ở cá nhân mỗi người. Ting chúc bạn sẽ sớm trở thành một nhà Chi Tiêu Học lão làng. Đừng quên theo dõi và cập nhật thông tin từ Blog của Ting nhé!