Giống như đồ ăn, hay áo quần, hay điện thoại, túi xách... đầu tư có vô vàn thể loại khác nhau mà trong đó đương nhiên cũng sẽ có loại this và loại that, có loại sẽ hợp với người này đồng thời sẽ “dị ứng” với người kia. Vượt qua những tầng địa chất để đặt chân vào thế giới “ngầm” của đầu tư, Ting sẽ dắt bạn gặp gỡ với một số thể loại đầu tư được cho là phổ biến hiện nay.
Cryptocurrency
Cryptocurrency, crypto là tên dùng để chỉ tất cả các đồng tiền tệ trên thị trường tiền điện tử. Có một số tên gọi khác nhau như tiền mã hóa, tiền điện tử, tiền mật mã, tiền kỹ thuật số, tiền số, coin hay thậm chí là tiền ảo; nhưng nếu xét về mặt kỹ thuật thì tên chính xác nhất của cryptocurrency là “Tiền mã hóa”.
Cách thức hoạt động
Cryptocurrency là một hệ thống tiền điện tử được vận hành online bởi mạng lưới các máy tính rải rác trên toàn thế giới. Khác với các loại tiền tệ truyền thống, crypto không bị chi phối bởi bất kỳ chính phủ hay tổ chức nào, mà được vận hành và duy trì bởi mạng lưới các người dùng trên toàn thế giới.
Nhà đầu tư có thể sở hữu cryptocurrency bằng cách mua qua các sàn giao dịch, hoặc thông qua việc “đào tiền”.
Bitcoin là cryptocurrency đầu tiên được phát hành và hiện vẫn đang là đồng tiền mã hóa phổ biến nhất, tuy nhiên hiện nay đã có hàng ngàn các đồng tiền mã hóa khác trên thị trường, trong đó bao gồm các đồng phổ biến nhất có thể kể đến như Bitcoin, Ethereum, USDT, XRP, Bitcoin Cash, Litecoin, Binance Coin, v.v.
Lợi nhuận tốt, rủi ro cao
Cryptocurrency là một trường hợp khá lý thú và gây nhiều tranh cãi trong thế giới tài chính.
Một số nhà đầu tư đã trở thành triệu phú chỉ qua một đêm khi giá các đồng tiền ‘cất cánh’. Nhưng đi kèm với tiềm năng lợi nhuận cao, là rủi ro thua lỗ lớn. Nhà đầu tư khi tham gia cần cẩn trọng trước những rủi ro về hacker, lừa đảo cũng như biên độ biến động của thị trường.
Quỹ cổ phần tư nhân (Private Equity)
Quỹ đầu tư tư nhân là một loại hình quỹ chuyên đầu tư vốn vào các doanh nghiệp tư nhân.
Các quỹ đầu tư tư nhân gom tiền từ nhiều nhà đầu tư (có thể là cá nhân hoặc tổ chức) để mua cổ phần của các công ty tư nhân (chưa niêm yết trên sàn chứng khoán) với hy vọng sẽ bán cổ phần sở hữu đó trong tương lai nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Hình thức này được xem là lựa chọn đầu tư có rủi ro cao, với kỳ vọng mang lại lợi nhuận cao.
Cách thức hoạt động của quỹ
- Giai đoạn 1: Các nhà đầu tư sẽ phải “cam kết” đầu tư một số tiền nhất định vào quỹ.
- Giai đoạn 2: Khi tìm ra được đối tượng đầu tư phù hợp, các nhà đầu tư phải trả đúng số tiền đã cam kết ban đầu cho vào quỹ đầu tư để tiến hành mua cổ phần.
- Giai đoạn 3: Nếu công ty được đầu tư tăng trưởng và phát triển tốt, quỹ bắt đầu có lợi nhuận.
- Giai đoạn 4: Quỹ bán dần các cổ phần đang sở hữu để thu về lợi nhuận. Tiền nhận được sẽ chia cho các nhà đầu tư.
- Giai đoạn 5: Quỹ bán đi toàn bộ cổ phần đang sở hữu, chia tất cả phần tiền còn lại cho các nhà đầu tư và ngừng hoạt động.
Vòng đời của một quỹ đầu tư thông thường kéo dài khoảng 10 năm hoặc hơn.
Quỹ đầu tư tư nhân thường được tham gia nhiều hơn bởi các tổ chức thay vì các cá nhân, bởi nó yêu cầu phải có một số vốn đầu tư lớn ban đầu để tham gia, phải chôn vốn trong một thời gian dài, và khó đa dạng hóa danh mục bằng cách tham gia nhiều quỹ - vì số tiền góp tối thiểu để tham gia vào một quỹ là rất lớn.
Quỹ tương hỗ (Mutual Fund)
Quỹ tương hỗ là một quỹ được quản lý bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp, trong đó tiền đầu tư được góp bởi rất nhiều các nhà đầu tư nhỏ lẻ, dùng để mua một “rổ” các danh mục đầu tư.
Cách thức hoạt động của quỹ
- Bước 1: Các nhà đầu tư góp tiền bằng cách mua các cổ phần của quỹ tương hỗ.
- Bước 2: Quỹ gom tiền của các nhà đầu tư và mua một danh mục đầu tư, thông thường tập trung vào cổ phiếu và trái phiếu.
- Bước 3: Cổ tức, lãi suất và tiền lời được trả ra cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể lựa chọn tiếp tục tái đầu tư phần lợi nhuận này vào quỹ.
- Bước 4: Nhà đầu tư có thể rút vốn ra khỏi quỹ bất kỳ lúc nào.Quỹ tương hỗ là một lựa chọn đầu tư phổ biến, vì nó được quản lý bởi các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp, cho phép khả năng đa dạng hóa danh mục, có tính thanh khoản cao, có thể tham gia với số vốn nhỏ, và được giám sát và kiểm toán kỹ lưỡng.
Quỹ tương hỗ có thể giúp bạn tham gia đầu tư mà không cần quá mất thời gian và công sức để tìm hiểu các hạng mục đầu tư, vì các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp đã thay bạn làm điều đó. Đổi lại, bạn sẽ phải mất một phần phí quản lý, cũng như không được tự quyết những hạng mục mình sẽ tham gia đầu tư, mà sẽ phải phụ thuộc vào quyết định của nhà quản lý.
Và cũng như bất kỳ hình thức đầu tư nào khác, với quỹ tương hỗ, bạn cũng không được đảm bảo về lợi nhuận. Dù cho bạn có nghiên cứu tìm hiểu kỹ lưỡng đến đâu để chọn một quỹ tương hỗ tốt nhất, bạn vẫn có rủi ro không đạt được lợi nhuận như ý, vì bản chất của đầu tư vốn là như vậy.
Quỹ phòng hộ (Hedge Fund)
Quỹ phòng hộ là quỹ đầu tư chuyên nghiệp với nhiệm vụ gom tiền từ nhiều nhà đầu tư khác nhau sau đó thực hiện các giao dịch mua và bán các khoản đầu tư nhất định.
Mặc dù về cơ bản, quỹ phòng hộ có cấu trúc khá tương đồng với quỹ tương hỗ, quỹ phòng hộ lại được giám sát ở mức độ ít nghiêm ngặt hơn và thường đầu tư vào những hạng mục nhiều rủi ro hơn. Cũng vì bản chất nhiều rủi ro này, quỹ phòng hộ thường chỉ dành cho các nhà đầu tư có rất nhiều tiền và các tổ chức đầu tư.
Khác biệt giữa quỹ phòng hộ và quỹ tương hỗ
Quỹ phòng hộ |
Quỹ tương hỗ |
|
Ai được tham gia |
Chỉ những nhà đầu tư có nhiều tiền. |
Tất cả mọi người. |
Quỹ được đầu tư những gì? |
Gần như mọi thứ - từ cổ phiếu và trái phiếu đến phái sinh các hợp đồng bảo hiểm. |
Có những quy định nghiêm ngặt về pháp lý đối với các hạng mục có thể đầu tư, và thông thường sẽ đi với cổ phiếu và trái phiếu. |
Bạn có biết được quỹ đang đầu tư những gì? |
Không hẳn. Quỹ phòng hộ không bắt buộc phải nói cho các nhà đầu tư (và cả chính phủ) biết về các hạng mục họ đang đầu tư. |
Có. Quỹ tương hỗ cần phải báo cáo định kỳ về chi tiết các hạng mục họ đang đầu tư. |
Chi phí? |
Rất cao. Mức phí thường gặp rơi vào khoảng 2% tổng số tiền đầu tư và 20% lợi nhuận. |
Vừa phải. Mức phí thông thường rơi vào khoảng 0.5% tổng tài sản mỗi năm. |
Có thể dễ dàng rời khỏi quỹ? |
Không. Có những quy định nghiêm ngặt về việc khi nào các nhà đầu tư có thể và không thể rút tiền của họ. |
Có. Nhà đầu tư có thể gần như bán các cổ phần của quỹ tương hỗ vào tất cả các ngày mở cửa của thị trường. |
Tóm lại, quỹ phòng hộ là quỹ đầu tư chuyên nghiệp với nhiệm vụ gom tiền từ nhiều nhà đầu tư khác nhau sau đó thực hiện mua và bán các hạng mục đầu tư khác nhau. Quỹ phòng hộ có thể đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu, đồng thời có thể đầu tư vào các hình thức rủi ro hơn như phái sinh hay thị trường hàng hóa (commodities). Quỹ phòng hộ tạo ra cơ hội tốt cho những nhà đầu tư muốn chấp nhận rủi ro cao hơn với kỳ vọng nhận được lợi nhuận tốt hơn, đổi lại là mức phí cao hơn đối với các nhà đầu tư tham gia quỹ.
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF)
Quỹ hoán đổi danh mục (ETF - Exchange Traded Fund) là quỹ đầu tư với mục đích mô phỏng theo sự biến động của một chỉ số tham chiếu, như cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa, hoặc một loại tài sản nào đó.
Khi nhà đầu tư góp vốn vào quỹ ETF, họ sẽ nhận lại giấy chứng nhận sở hữu một phần của quỹ, được gọi là chứng chỉ quỹ. Khác với quỹ tương hỗ - chỉ cho phép nhà đầu tư mua, bán trực tiếp chứng chỉ quỹ thông qua công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư ETF có thể mua, bán chứng chỉ quỹ ETF thông qua sàn giao dịch chứng khoán, do quỹ ETF được niêm yết và giao dịch giống như một cổ phiếu trên sàn.
Khác biệt giữa quỹ ETF và quỹ tương hỗ
ETFs |
Quỹ tương hỗ |
|
Khác biệt chính |
Chứng chỉ quỹ có thể giao dịch trên sàn chứng khoán bất kỳ lúc nào trong thời gian thị trường mở cửa. |
Chứng chỉ quỹ chỉ được định giá và giao dịch mỗi ngày một lần. |
Giao dịch bằng cách nào và vào lúc nào |
Mua và bán chứng chỉ quỹ bất kỳ lúc nào trong ngày mở cửa với các sàn giao dịch, tương tự như cổ phiếu. |
Mua hoặc quy đổi chứng chỉ mỗi ngày một lần - với công ty quản lý quỹ. |
Chủ động hay bị động? |
Thụ động. Hầu hết ETF là quỹ chỉ số - nghĩa là quỹ sẽ mô phỏng biến động của một chỉ số nào đó thay vì cố gắng tăng trưởng tốt hơn thị trường. |
Chủ động. Hầu hết là các quỹ được đầu tư chủ động bởi công ty quản lý quỹ. Công ty quản lý quỹ sẽ cố gắng lựa chọn những hạng mục đầu tư tốt nhất trên thị trường. |
Chi phí? |
Thấp hơn. Phí quản lý quỹ thấp hơn do chỉ đầu tư thụ động theo chỉ số. |
Cao hơn. Phí quản lý quỹ cao hơn do có sự quản lý chủ động của công ty quản lý. |
Hạng mục mà quỹ ETF đầu tư có thể bao gồm:
- Một lĩnh vực hoặc ngành nào đó (ví dụ như công nghệ, dịch vụ công cộng).
- Chỉ số chứng khoán của một quốc gia nào đó (ví dụ như Nikkei của Nhật bản, FTSE của UK)
- Một hoặc nhiều danh mục hàng hóa (ví dụ như vàng, ngô, dầu mỏ).
- Tiền tệ (ví dụ như đồng Euro, đồng Canada, đồng Bitcoin).
- Bất động sản (ví dụ như nhà xưởng, trung tâm thương mại).
Quỹ ETF dần trở nên phổ biến hơn lúc nào hết trong những năm gần đây, vì nó giúp nhà đầu tư có thể đa dạng hóa danh mục đầu tư với chi phí thấp, không đòi hỏi nhà đầu tư phải hiểu biết chuyên sâu về từng cổ phiếu cụ thể, giúp nhà đầu tư dễ dàng tham gia vào thị trường chứng khoán. Tại Việt Nam, hiện nay cũng có một số chứng chỉ quỹ mô phỏng theo chỉ số VN-Index, VN30 và có thể giao dịch tự do trên các sàn giao dịch chứng khoán.
Những loại hình đầu tư khác
Ngoại hối (Forex)
Về cơ bản, giao dịch forex là hoạt động đầu cơ dựa vào sự biến động lên xuống giữa hai loại tiền tệ.
Giá trị các tiền tệ tăng giá và mất giá so với nhau do tác động của một số yếu tố kinh tế, chính trị và kỹ thuật. Do đó, thay vì giao dịch xoay quanh một loại cổ phiếu hay tài sản, các giao dịch Forex xoay quanh các cặp tiền tệ, ví dụ như USD/JPY, USD/GBP.
Nếu bạn tin rằng giá trị của đồng tiền đứng trước sẽ tăng so với đồng tiền đứng sau, bạn sẽ mua (long) cặp tiền đó. Nếu bạn tin rằng giá trị của đồng tiền đứng trước sẽ giảm so với đồng tiền đứng sau, bạn sẽ bán (short) cặp tiền đó.
Vì vậy, ví dụ, nếu bạn cảm thấy đồng USD sẽ tăng giá so với đồng JPY hoặc JPY sẽ suy yếu và mất giá so với USD, bạn sẽ mua cặp tiền USD/JPY. Một thời gian sau, khi USD đã tăng giá thêm so với JPY, bạn sẽ bán cặp tiền này và thu về lợi nhuận.
Ngược lại, nếu bạn cảm thấy đồng JPY sẽ tăng giá so với đồng USD hoặc đồng USD sẽ suy yếu so với đồng JPY, bạn sẽ bán cặp tiền USD/JPY và một thời gian sau, bạn sẽ mua cặp tiền này và thu về lợi nhuận.
NFT (Non - Fungible token)
Trước trào lưu tiền điện tử, thời gian gần đây, NFT nổi lên như một hiện tượng. Jack Dorsey, CEO Twitter, đã bán hình ảnh dòng tweet đầu tiên trên nền tảng này với giá 2,9 triệu USD.
Về bản chất, NFT là một đoạn mã được lưu trong một blockchain, thể hiện rằng một người nào đó là chủ sở hữu của một vật phẩm kỹ thuật số. Các NFT phổ biến hiện nay có thể kể đến các tác phẩm nghệ thuật, album nhạc, hay thậm chí là một dòng tweet.
Người mua thích NFT một phần vì đâu đó nó cũng là một lựa chọn để đầu tư. Sau một thời gian, nếu giá của món hàng tăng lên, người mua có thể bán lại nó để kiếm lời.
Các nhà sáng tạo thích NFT vì nó mang đến cho họ một nơi để đăng bán hoặc đấu giá trực tiếp cho các tác phẩm của họ, thay vì phải thông qua môi giới như các mô hình đấu giá truyền thống. Ngoài ra, họ còn có thể có thêm tiền bản quyền mỗi lần có ai đó mua hay bán NFT của họ.
Kết lại,
Dù chỉ là những hoạt động đầu tư ngầm thế nhưng tiềm năng và tầm ảnh hưởng của các thể loại đầu tư được Ting nêu trên không vì vậy mà yếu thế so với những dòng đầu tư mainstream. Sân khấu thì luôn dành cho những người biết cách tỏa sáng, ngần ngại gì mà không thử.
Cùng theo dõi Ting để cập nhật thêm nhiều thể loại đầu tư khác nữa nhé!
(Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nhằm mục đích định hướng hay khuyến khích người đọc theo một hình thức đầu tư cụ thể nào).