Mọi người vẫn hay dùng “deadline” đi kèm với những động từ nghe gấp gáp, vồ vã như: deadline dí, chạy deadline, deadline rượt, deadline đuổi, bla bla… như thể “anh bạn” là một cơn ác mộng đáng sợ ai thấy cũng né. Vậy nên, bài viết này được viết với danh nghĩa giành lại danh dự cho deadline. Mời mọi người cùng theo dõi diễn biến câu chuyện!
Deadline là kẻ thù?
Deadline khi được dịch ra tiếng Việt sẽ có nghĩa là hạn chót/hạn cuối để làm một việc gì đó. Thông thường đối với dân văn phòng, dân sinh viên và nhiều dân khác nữa thì cái tên “deadline” vẫn được sử dụng phổ biến hơn tên tiếng Việt của nó. Có lẽ một phần nghe sang hơn và “quốc tế hóa” hơn chăng?
Vậy chạy deadline là gì? Dĩ nhiên đây không phải là một hoạt động thể chất nâng cao sức khỏe như chạy thể dục, chạy giặc, chạy nợ mà là một hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao độ về tinh thần và chuyên môn của cá nhân hoặc của một tập thể. Nếu cá nhân hay tập thể được giao công việc có deadline kèm theo nhưng chưa thể hoàn thành đúng tiến độ thì phải cố gắng gấp rút hoàn thành sao cho kịp với thời gian đã được giao trước đó.
Deadline và cơ chế của não bộ
Cốt yếu, deadline được tạo ra để ngắt kết nối bản thân với sự trì hoãn của não bộ. Theo các nghiên cứu, người ta cho rằng não bộ con người được lập trình để trì hoãn. Đó là cách mà con người phản ứng phòng vệ tự nhiên trước những vấn đề có khả năng gọi dậy những luồng cảm xúc tiêu cực, lo âu, bất an. Nên khi được giao một việc với khoảng thời gian dư dả hơn mức cần thiết, chúng ra sẽ có xu hướng kéo dài thời gian hoàn thành công việc hơn so với khi được ấn định một thời hạn thích hợp. Não bộ sẽ liên tục tạo ra cám dỗ để dắt ta vào tròng với 7749 lý do như: không có tâm trạng, phải đợi đúng người đúng thời điểm, hay nguy hiểm hơn ta mặc định rằng những hoạt động “giải trí” mình đang làm có vẻ na ná giống công việc mà không nhận ra nó thực sự vô bổ và ngốn hết thời gian. Và khi deadline càng đến gần, nó giống như một cơn bão quét qua tâm trí, đe dọa ta bằng thứ thời gian ngắn hạn và cuống phăng đi mọi khả năng sáng tạo, giải quyết công việc vốn là thế mạnh của bản thân.
Với cơ chế trì hoãn của bộ não, ta dễ lòng có thể thả trôi tất cả cơ hội học tập, làm việc để chìm đắm trong sự lười biếng bình yên, thoải mái của mình. Việc đặt ra deadline cho từng hạng mục chính là công cụ tuyệt vời để giúp ta trở nên kỷ luật và quyết tâm hơn.
Lắng nghe deadline giãi bày
Như tiêu đề của bài viết, ở đây chúng ta chỉ giành để tôn vinh những giá trị hay ho của deadline (vì những cái không hay ho thì chắc mọi người đã nói nhiều 🤣 ). Cùng điểm qua một vài công dụng deadline đã đem đến:
Ưu tiên những cái cần ưu tiên
Sức người có giới hạn mà thời gian thì vô biên thế nên deadline xuất hiện để ta biết rằng khi nào bắt đầu và khi nào cần kết thúc cũng như cần tập trung vào điều gì quan trọng nhất trong một khoảng thời gian nhất định. Việc sắp xếp thứ tự ưu tiên sẽ giúp công việc được giải quyết hiệu quả và thông minh hơn.
Xác định được mục tiêu cụ thể
Song song với việc đặt ra deadline thì đặt mục tiêu cho deadline cũng quan trọng không kém. Về cơ bản, để biết chính xác thời gian cần hoàn thành một công việc, ta buộc phải xem xét kỹ lưỡng tất cả các bước cần thực hiện. Trải qua quá trình suy nghĩ này, ta sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về mục tiêu và những gì cần phải làm.
Giả sử bạn đang ở độ tuổi 22, deadline của bạn lúc đặt ra này sẽ là một tấm bằng đại học loại kha khá, gia nhập được một đơn vị thực tập nào đó để trau dồi kinh nghiệm thực tế. Với những deadline cần làm, bạn biết rằng mục tiêu giai đoạn này là cần tập trung cao độ vào việc học và phát triển bản thân từ đó có cho mình một chiến lược học tập hiệu quả, tối ưu nhất. Thế nhưng, khi đến với giai đoạn 30 tuổi - nôm na là đã gần một nửa đời người, deadline lúc này đã thay đổi, bạn cần tìm kiếm một nửa của mình để lập gia đình và tạo dựng kinh tế. Deadline này đưa ra báo động rằng mục tiêu ưu tiên bây giờ của bạn không còn tập trung vào phát triển bản thân mà chính là gia đình và các mối bận tâm cho sự phát triển của những đứa trẻ trong nhà. Tất nhiên, đây chỉ là những ví dụ điển hình bởi mỗi người, mỗi cá nhân sẽ có những deadline và mục tiêu khác để phấn đấu và hướng đến.
Thúc đẩy bản thân hoàn thành “nhiệm vụ”
Một deadline đặt ra sẽ cho ta nhiều động lực để tập trung hoàn thành công việc đúng hạn. Ví dụ bạn đặt ra mục tiêu giảm 8 ký trong 4 tháng giãn cách ở nhà. Thử tưởng tượng, sau 4 tháng, bạn bước đến văn phòng với một thân hình “sắc nước hương trời” khiến anh em xì xào bà con bàn tán. Với động lực mạnh mẽ này, bạn biết rằng bạn cần sẽ phải nỗ lực để giảm cân thành công trong khoảng thời gian đã đặt ra và quyết tâm biến ước mơ thành sự thật. Đây chỉ là một ví dụ điển hình, bạn có thể suy nghĩ một ví dụ vĩ mô khác.
Tăng khả năng sáng tạo
Trong khoảng thời gian đặt ra, não bộ sẽ không ngừng gợi nhắc ta về công việc, buộc ta phải liên tục suy nghĩ các phương án giải quyết. Khi càng đi sâu vào vấn đề cộng với sức ép thời gian, lúc này não chúng ta sẽ được kích hoạt khả năng tập trung cao độ, tách chúng ta ra khỏi những phiền nhiễu xung quanh và những mạch suy nghĩ không cần thiết. Đó là lý do chúng ta luôn có cảm giác “phiêu” nhất ở những giây cuối cùng trong trước khi cán đích thành công.
Trở thành người có trách nhiệm
Deadline đặt ra cho chúng ta trách nhiệm để hoàn thành và trách nhiệm làm tốt công việc được giao. Làm sao có thể hoàn thành một việc mà không biết khi nào thì nó kết thúc. Cũng như việc hẹn nhau đi cà phê, nếu rủ vào cuối tuần này, hoặc đầu tuần sau thì rõ ràng tới lúc đó ta sẽ ăn mặc đẹp đẽ lồng lộn và có mặt đúng hẹn. Còn ai rủ mà bảo là “khi nào rảnh” hay “bữa nào đó” thì chắc chắn cái bữa nào đó sẽ không xuất hiện và họ sẽ bận cho tới lúc tình cờ gặp lại ta.
Rõ ràng, khi khai thác deadline ở một khía cạnh khác ta thấy rằng “anh chàng” này đã giúp chúng ta học được cách trưởng thành và cứng cáp hơn với những cám dỗ, khó khăn của cuộc đời ngoài kia. Deadline như một điểm tựa để ta thôi dây dưa, nấn ná với với vùng an toàn mà cho phép bản thân được trải nghiệm nhiều hơn, đi xa hơn. Vậy nên, tóm lại, làm gì thì làm, đừng có mà đổ thừa cho deadline nữa, lao động là vinh quang! ^^