Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Tiết kiệm bằng cách săn sale?
4 Tháng 1, 2022

Sống ở thời đại 1 năm 12 mùa sale, không ít người lầm tưởng việc mua hàng giảm giá có thể giúp bạn tiết kiệm được tiền. Thực tế đau lòng, trò chơi mua hàng giảm giá quá đỗi hấp dẫn khiến ta dễ dãi hơn với việc mua sắm không chủ đích. Liệu chúng ta có đang “ngộ nhận” khi tiết kiệm bằng phương pháp này?

 

Deal sale hay điêu đứng

Việc nhận thức được những gì bản thân chi tiêu là một phần quan trọng trong hành trình thiết kế một cuộc sống có kỷ luật và chủ đích hơn. Những gì chúng ta ưu tiên sẽ phản ánh trực tiếp đến quyết định mua hàng của chúng ta mỗi ngày. Nếu không đưa ra những quyết định thấu đáo trong việc chọn mua một món hàng, ta dễ dàng chi tiêu quá mức cho những thứ không thực sự cần thiết. Biên giới của việc mua sắm ngày nay đã bị cắt bỏ bởi sự trợ giúp của công nghệ, công cuộc tiết kiệm và chi tiêu hợp lý vì thế cũng gặp muôn vàn khó khăn. Với tất cả những lợi thế cùng các nghiên cứu về tâm lý con người, các nhà tiếp thị không ngừng tạo ra nhu cầu khiến người tiêu dùng phải liên tục mua mua mua. Dưới đây là một vài trò chơi tâm lý có thể khiến một người mua hàng “lọt hố”.

Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO)

Hành động trốn tránh hoặc ngăn chặn cảm giác mất mát trong bản năng của con người được xem là điểm “nóng” giúp các nhà tiếp thị bán được hàng. Dù biết các chương trình giảm giá luôn được lặp đi lặp lại định kỳ, thế nhưng bằng những chiến thuật quảng cáo, các nhãn hàng luôn tạo cho người mua cảm giác cấp bách trước mọi thời điểm diễn ra chương trình. Và bất chấp việc có nhu cầu hay không với sản phẩm, người mua hàng vẫn sẵn sàng mua để không bỏ lỡ cơ hội mà họ xem là “ngàn năm có một”.

Tạo ra nhu cầu

Để khiến một người có cảm giác mong muốn sở hữu sản phẩm của nhãn hàng, các nhà tiếp thị sẽ luôn tìm cách thuyết phục rằng chúng ta đang cần thứ đó. Nếu hài lòng với những gì đang có, chúng ta sẽ không có động lực tiếp thu những thứ mới để làm cho cuộc sống tốt hơn. Việc sở hữu sản phẩm của nhãn hàng đồng nghĩa với việc chúng ra đang nâng cấp và tăng giá trị của bản thân lên.

Tạo ra câu chuyện và thông điệp

Giá của một sản phẩm trên thị trường không hẳn lúc nào cũng được tính dựa trên chi phí tạo ra sản phẩm. Bằng cách thay đổi giao diện của sản phẩm hoặc thông điệp truyền tải, các nhà tiếp thị có thể khiến người mua cảm giác đang sử dụng một sản phẩm có chất lượng cao hơn, hiếm hoặc hợp thời và đáng mơ ước hơn. Từ những nhận định này khiến người mua sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn để mua một món hàng.

Đối diện với những điểm mù trong tâm lý người tiêu dùng, các nhà tiếp thị không ngừng tìm cách để có thể bán được sản phẩm. Và để trở thành một người tiêu dùng sáng suốt, ta cần thận trọng hơn trong việc phân loại và đưa ra quyết định mua hàng.

 

Khi nào thì mua sale mới tiết kiệm được tiền

Mua hàng sale giúp tiết kiệm tiền chỉ khi chúng ta thực sự có nhu cầu mua sản phẩm hoặc dịch vụ trước khi biết đến thông tin giảm giá. Mấu chốt ở đây là bạn phải “thực sự có nhu cầu”. Ví dụ, nếu bạn cần mua nước giặt cho gia đình mỗi tháng, bạn đến siêu thị để mua và tình cờ được giảm giá thì đó là bạn đang tiết kiệm được tiền. Nhưng nếu bạn đến siêu thị để mua nước giặt và thấy gian hàng áo quần đang giảm giá, bạn mang thêm một chiếc áo về nhà thì liệu bạn có đang tiết kiệm đúng? Đầu tiên, bạn dự định chỉ chi 150.000 đồng cho tiền nước giặt và bây giờ bạn phải chi tổng cộng 300.000 đồng cho nước giặt và cả chiếc áo vừa mua, vậy thì bạn đang tiêu nhiều tiền hơn chứ không phải ít hơn. 

Khi bạn mua thứ gì đó đang giảm giá mà bạn không có ý định mua từ trước, đó là bạn đang chi tiêu vượt ngân sách ban đầu của mình. Bù lại bạn sẽ làm hụt đi số tiền dành cho sản phẩm cần thiết hơn ngay chính tại thời điểm đó. Vậy, chắc chắn đó không phải là một lựa chọn tốt. Bất kể ở đâu, chỉ cần mua đúng những món đồ đã dự định từ trước, bạn sẽ ổn. Mọi mặt hàng giảm giá nằm ngoài nhu cầu, đừng bận tâm đến. 💪

 

 

Kết lại,

Đây là chìa khóa, bạn mua những thứ bạn cần và nó đang được giảm giá, bạn đang tiết kiệm được tiền. Bạn nhìn thấy một sản phẩm giảm giá, bạn quyết định mua nhưng không có ý định ngay từ đầu, đó là bạn đang tiêu nhiều tiền hơn.

Chắc chắn đây không phải là một quan điểm thân thiện có thể tìm kiếm được nhiều sự đồng thuận từ tất cả mọi người đặc biệt với những cá nhân xem việc mua sắm là hình thức giải trí hay một phương thức trị liệu (Shopping Therapy). Tuy vậy, từ góc nhìn hướng đến việc chi tiêu thông minh và xa hơn là đạt được những mục tiêu tài chính, Ting chắc rằng việc áp dụng phương thức này trong chi tiêu hằng ngày có thể giúp bạn loại bỏ được rất nhiều yếu tố gây xao nhãng, tập trung đúng vào những thứ mình thực sự cần đến, cả trên phương diện tài chính và đời sống.

Hi vọng bạn sẽ thích bài viết này từ Ting, cùng theo dõi và cập nhật thêm nhiều thông tin hay tại Blog Ting nhé!

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo