Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Đâu là công thức chung của người giàu?
10 Tháng 12, 2021

Với những chủ đề người giàu làm gì, ăn gì bao giờ cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của phần đông công chúng - những người không được giàu. Vậy, liệu có công thức chung nào để làm nên sự thịnh vượng của những người thuộc tầng lớp thượng lưu ít ỏi mà xã hội luôn tò mò hay không? Câu trả lời là có! Cùng theo dõi bài viết của Ting để xem đó là gì nhé! 

 

Người giàu biết tiết kiệm, họ tiết kiệm rất nhiều

Sự thật là người giàu không phải là người có mức lương cao nhất. Trên thực tế, có rất nhiều người lương cao nhưng vẫn không thoát khỏi sự đeo bám của cái nghèo. Vậy thì do đâu? Đơn giản là do họ luôn tiêu tất cả những gì kiếm được cho những món hàng đắt đỏ và những chuyến du lịch xa xỉ. Khi mất đi nguồn thu nhập, ngay lập tức họ sẽ quay trở lại làm một người “vô sản” thực thụ. 

Vậy, với những người giàu, nếu không tiêu hết tiền thì họ làm gì? Nghe có vẻ đơn giản đến mức khó tin thế nhưng sự thật là sẽ không có “đại gia” nào làm giàu mà có thể bỏ qua được thói quen tiết kiệm. Đối với những người giàu (hoặc thật giàu) họ là những người rất thận trọng trong việc chi tiêu và sử dụng tiền của mình. Vấn đề không phải kiếm được bao nhiêu tiền mà là tiết kiệm được bao nhiêu. Từ những gì có được sau tiết kiệm, người giàu theo đó sẽ mang tiền đi đầu tư nhằm tạo ra nguồn thu nhập thụ động. Và đây mới là lúc tiền thực sự sinh ra tiền.

Có một quy luật là: nếu bạn làm việc vì tiền và tiêu hết số tiền đó, rồi lại cặm cụi làm rồi nhiệt tình tiêu, bạn sẽ luôn nghèo. Nhưng nếu bạn bắt tay vào đầu tư với những gì tiết kiệm được thì theo thời gian, tích tiểu thành đại, bạn sẽ giàu. Khi ngày đó tới, bạn sẽ được tự do làm những gì mình muốn mà không còn phải chịu sự chi phối của tiền. 

Để việc tiết kiệm không phải là thói quen bốc đồng muốn thì làm không thì thôi, có một phương pháp bất kỳ ai cũng có thể áp dụng là “chi trả cho bản thân trước - Pay Yourself First”. Phương pháp này yêu cầu bạn sẽ phải tự động trích riêng ra 10% trên tổng thu nhập hằng tháng cho vào quỹ tiết kiệm trước khi bắt đầu chi trả bất kỳ khoản chi nào khác. Không quan trọng nếu bạn bắt đầu tiết kiệm bằng 100.000 đồng hay 1.000.000 đồng, hãy luôn sẵn sàng để bắt đầu. Cho công cuộc tiết kiệm lâu dài, tiết kiệm bền vững, thói quen quan trọng hơn số lượng.

 

Người giàu luôn có kế hoạch

Nếu là một người sử dụng tiền (phải, tất cả chúng ta đều phải sử dụng tiền) thì hẳn đôi lúc bạn sẽ phải phát hoảng lên rằng “m@ax2s, tiền biến đâu hết rồi”. Với những người “yếu vía” bạn sẽ thấy thật tồi tệ, nhưng với những ca “nặng vía” hơn thì đó là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa. Che đậy cho những lần lầm lỡ của đại đa số người, không ít những câu nói biện minh được lưu truyền rộng rãi như “kệ, nghèo nhưng giàu tình cảm” hay “nghèo nhưng hạnh phúc”... Tại sao phải là “nhưng” trong khi ta vẫn có thể vừa giàu vừa sống tình cảm, vừa giàu vừa hạnh phúc. Như bất kỳ một công cụ nào khác, tiền có thể được sử dụng với mục đích tốt lẫn xấu phụ thuộc vào người sở hữu. Tiền là một phần của cuộc sống và một cuộc sống tốt đòi hỏi một kế hoạch tốt. Với người giàu, thay vì hỏi tiền đã đi đâu, họ sẽ tự nói với tiền của mình nơi chúng sẽ được đến. 

Để bắt đầu cho hành trình phát triển tài chính cá nhân, bạn có thể khởi động bằng cách thiết lập ngân sách chi tiêu hằng tháng để theo dõi. Hãy thành thật với bản thân và viết xuống tất cả những gì bạn làm với tiền của mình. Áp dụng phương pháp Kakeibo cũng là cách giúp bạn phát triển thói quen này một cách hệ thống hơn. Ngay cả khi bạn chỉ có vài ba triệu thì hãy quản lý số tiền mình có như thể nó là hàng trăm triệu.

 

 

Người giàu tìm kiếm cơ hội và lời khuyên 

Hầu hết mọi người không hay hỏi ý kiến hoặc tìm kiếm những lời khuyên xung quanh mình. Có thể là vì ngại và cũng có thể là vì không biết sẽ cần phải hỏi những gì… Đây là vấn đề thực tế của cuộc sống, một vấn đề có thể kìm hãm hiện tại và cả tương lai của rất nhiều người. 

Khi tiếp xúc với những cuộc trò chuyện liên quan đến tiền một cách không lành mạnh, bạn rất dễ nghe phải những lời khuyên có phần tiêu cực như: không nợ thì làm sao mà giàu, thà nghèo mà sống tốt, giàu hay làm chuyện không phải đạo đức,... có nhiều và rất nhiều lời khuyên kiểu như thế. Và nếu không là người thay đổi được suy nghĩ của đám đông này, bạn hãy ngừng lắng nghe, tốt hơn hết là bỏ chạy. Không một người giàu có thành công thực sự nào nói những điều như thế vào tai bạn. Hãy tìm kiếm những lời khuyên chất lượng từ những người có thâm niên thực thụ trong vương quốc gầy dựng của cải, bạn sẽ ngạc nhiên về những thứ mình nhận được. 

Cạnh những lời khuyên từ những người giàu xung quanh, bạn còn có thể dễ dàng tìm kiếm nhiều bài học, lời khuyên từ kho kiến thức khổng lồ của Internet với các khóa học online, hội thảo, podcast, website… Trước những kiến thức được chọn lọc để dung nạp vào người, tìm cho mình một phong cách riêng để phát triển. Đừng nản chí, đừng bỏ cuộc! Người giàu có hơn hết là người không ngừng học hỏi và tìm kiếm cơ hội ở bất cứ nơi đâu họ xuất hiện.


Người giàu không làm việc vì tiền

“Hãy để tiền làm việc cho mình”- lời khuyên không ít nhà tỷ phú đã phát biểu.  Nghe có vẻ vô lý thế nhưng đây lại là trạng thái lý tưởng nhất của việc kiếm tiền -  tạo ra giá trị cho đồng tiền. Hiểu được ý nghĩa của của việc này, bạn đã sẵn sàng để giàu.

Khi thời gian, sức khỏe đều có hạn, tương lai là điều không ai có thể kiểm soát được thì tiền lương từ công việc 8 tiếng một ngày của bạn là chưa đủ, phải đầu tư. Đầu tư có thể giúp bạn kiếm được tiền ngay cả khi đang bận ngủ hay đang tận hưởng một kỳ nghỉ mát tại vùng biển nào đó. Hơn hết, việc không còn những bận tâm lo lắng về tiền sẽ cho bạn nhiều rất nhiều cơ hội để được học hỏi, phát triển bản thân và tạo dựng những giá trị có ích cho cộng đồng.

Người giàu, về cơ bản họ làm những gì họ yêu thích và mong muốn đạt được những gì họ đề ra. Tiền không mua được hạnh phúc nhưng có thể cho bạn nhiều cơ hội để tìm kiếm hạnh phúc. 

 

Người giàu là người hào phóng

Người giàu là những người hào phóng nhất vì họ dư giả và có mong muốn được sẻ chia. Thế nhưng, không vì thế mà người giàu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm của việc cho đi như cách phần đông quy chụp rằng “giàu thì phải đi giúp đỡ mọi người”. Điều này sẽ gây ra nhiều hiểu lầm bởi việc giúp đỡ nhau là việc tất cả mọi người đều nên làm không chỉ riêng người giàu. Nếu nghĩ rằng chỉ nên giúp đỡ ai đó khi bạn giàu thì sẽ không bao giờ bạn có thể giúp được. Bản chất của việc cho đi chính là nhận lại và lan tỏa những giá trị tử tế, vậy nên, bạn có thể làm người hào phóng trước rồi giàu sau cũng được. 😅

Tóm lại, không cần bàn cãi thì người giàu chính là người có nhiều tài sản. Tài sản nhắc đến không chỉ là tiền mà còn là kiến thức, kỹ năng và cả thái độ sống. Là một người giàu thực thụ đó là lúc bạn không còn để tiền có thể chiếm hữu mình, bạn mạnh mẽ, độc lập và tự tạo dựng cho mình hạnh phúc riêng. Khi bạn có thể cảm nhận được những điều này từ bản thân, bạn đã là một người giàu có mà không cần phải so sánh với bất kỳ ai. 

Và nếu bạn vẫn loay hoay nghĩ rằng việc trở nên giàu có quá mức sẽ khiến bạn phải trở thành nhân vật phản diện thì bài viết này đây là một sự khẳng định, rằng sẽ không bao giờ có chuyện đó trừ khi bạn cho phép nó xảy ra với mình. Trên đây là 5 điều thường xuyên, tử tế, khoa học và lành mạnh nhất mà một người giàu có vẫn thường làm để tận hưởng cuộc sống của họ. Bạn có muốn thử? 

 

1 bình luận
 
B
Bồ công anh
866 ngày trước
0  
 
Phản hồi
Còn tôi giàu nợ :))
 
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo