Chúng tôi có thể sử dụng cookie tùy chọn không?
Các cookie này giúp chúng tôi tối ưu trải nghiệm của bạn trên website và hiển thị các quảng cáo liên quan hơn. Chúng tôi sẽ chỉ bật các cookie này lên nếu bạn Đồng ý. Bạn có thể tham khảo và tùy chỉnh quyền sử dụng cookie bất kỳ lúc nào tại Lưu ý về cookie.
Tùy chỉnh
Cabin Fever - Cơn sốt “nóng” bên lề đại dịch
13 Tháng 9, 2021

Dù cùng chung dòng họ với anh em nhà “Sốt” thế nhưng “Sốt cabin” kín đáo và giữ kẽ hơn bởi ít được người biết đến lẫn các triệu chứng khó nhận biết của cơn sốt này. Vậy, làm sao để nhận diện được “kẻ bí ẩn” này, cùng Ting tìm hiểu kĩ hơn nhé! 🧐

“Sốt Cabin” được biết đến là một triệu chứng tâm lý con người gặp phải khi không thể rời khỏi nhà và tham gia vào các hoạt động giao tiếp xã hội trong thời gian dài. Theo từ điển Cambridge, định nghĩa Cabin Fever là cảm giác tức giận hoặc chán chường khi phải ở lỳ trong nhà quá lâu. Thuật ngữ này được cho là xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ 20, khi mùa đông khắc nghiệt kéo dài ở các bang miền Tây hẻo lánh nước Mỹ như South Dakota, Montana, Wyoming. Lúc này, người dân buộc phải nương mình trong những ngôi nhà gỗ (cabin) để tránh sự ảnh hưởng của những cơn bão tuyết. “Sốt cabin” cũng bắt đầu từ đó mà ra.

 

Sốt cabin mùa dịch

Giống với các trận bão tuyết, đại dịch COVID ra lệnh cho tất cả chúng ta phải ở yên một chỗ, chào tạm biệt các hoạt động bên ngoài để quay về “cư trú” trong ngôi nhà của mình, đảm bảo an toàn cho bản thân và cả cộng đồng.

Sự dịch chuyển từ lối sống giao tiếp tích cực sang hạn chế tiếp xúc đã phần nào mời gọi cơn sốt cabin xa xôi từ nửa bên kia bán cầu đến và dần trở nên phổ biến giữa những ngày cao điểm của đại dịch.

Điểm bắt đầu cho cơn sốt có lẽ đến từ việc tạm ngưng kết nối trực tiếp với các mối quan hệ xung quanh, là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả người yêu. Tiếp nối đó là các nỗi lo về tài chính, cơ hội việc làm do tác động nặng nề của COVID đến nền kinh tế. Và căng thẳng hơn khi các nỗi sợ này cùng khoảng không gian hạn chế, ít được di chuyển đã đưa đến những suy nghĩ tiêu cực, thói quen xấu ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ và tâm lý của chúng ta. Chưa khi nào, cơn sốt lại có nhiều “đất diễn” tại nơi nó vừa mới đến như vậy!

 

 

Vậy… biểu hiện nào của Cabin Fever

Dẫu được biết đến là một trạng thái của tâm lý, nhưng biểu hiện và ảnh hưởng mà sốt cabin mang đến không hề “kém cỏi” so với người anh em họ “sốt mãn tính” của mình mang đến, có thể gọi tên một vài biểu hiện như:

  • Rối loạn giấc ngủ: khó ngủ hoặc ngủ rất nhiều
  • Mất tập trung trong công việc, học tập
  • Liên tục khó chịu, cáu bẩn với mọi người
  • Mắc vào vòng lặp của những suy nghĩ tiêu cực
  • Không thể duy trì thói quen hàng ngày hoặc hàng tuần
  • Chìm đắm với các chất kích thích để khuây khỏa bản thân...

Tùy vào từng mức độ nặng nhẹ mà biểu hiện của mỗi người cũng sẽ khác nhau, nhưng về bản chất, cơn sốt sẽ kích thích chúng ta đến với những trải nghiệm độc hại để thỏa mãn sự căng thẳng và nỗi lo sợ.

 

Vượt qua cơn sốt

Và rồi cơn sốt nào rồi cũng đến hồi hạ nhiệt, đặc biệt với Cabin, viên thuốc điều trị tốt nhất chính là sự cố gắng chữa lành, phục hồi, đi lên từ bản thân của mỗi người. 💪

Xây dựng thói quen lành mạnh: Kiểm soát được tất cả mọi thứ trong ngày, trong tuần, trong tháng sẽ giúp bạn ngăn chặn cảm giác tuyệt vọng, trầm cảm và rơi vào vòng lặp của những thói quen độc hại cũ. Ting gợi ý bạn:

  • Thức dậy và đi ngủ đúng giờ mỗi ngày
  • Theo đuổi một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Thường xuyên tập luyện
  • Phân bố thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
  • Dành thời gian phát triển bản thân

Hạn chế tin tức tiêu cực: Với nhiều bất ổn từ đại dịch, việc tiêu thụ nhiều thông tin về virus được coi là càng nhiều càng tốt. Thế nhưng, không nhất thiết phải đọc và làm căng thẳng bản thân nếu bạn đã nắm bắt được những thông tin quan trọng nhất. Hãy chọn lọc các kênh báo chí uy tín để theo dõi lâu dài, tránh bản thân tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin tiêu cực, sai lệch.

Giữ kết nối với người thân, bạn bè: Việc duy trì liên lạc, kết nối với mọi người giúp não bộ bạn ghi nhớ hoạt động giao tiếp, theo cách này sẽ giúp ngặn chặn cảm giác bị cô lập, cùng quẫn xảy đến trong đầu.

Trải nghiệm những hoạt động thể chất: Hãy dắt bản thân ra khỏi cơn buồn chán, đau khổ bằng những hoạt động, trải nghiệm tay chân.Tập thể dục, nấu ăn, dọn dẹp… hay để bắt đầu dễ dàng hơn, bạn có thể cầm chổi lên và quét nhà...

Đối đãi tốt với bản thân: Sẽ mất thời gian để có thể thích nghi với cách sống mới và những gì đang xảy ra trong chế độ bình thường mới, thế nên, đừng quá vội vã và thất vọng nếu bản thân chưa thể hoàn toàn làm quen. Từ từ rồi cháo cũng nhừ… 

 

 

Sau cùng, mong bạn hãy tin vào bản thân mình, tin rằng mọi thứ sẽ ổn và càng tin hơn rằng đại dịch rồi sẽ đi qua. Chỉ cần chủ động tìm kiếm, đuổi theo những ý nghĩ tích cực thì niềm vui sẽ luôn hiện diện trước mắt. Giờ thì, hít thở thật sâu, nghĩ về những điều bạn biết ơn, trân trọng ngay tại thời điểm này và chờ ngày lao ra đường để hỏi thăm nhau nhé! 

Chúc bạn sức khỏe và nhiều bình yên! ❤️

 

0 bình luận
 
Chưa có thảo luận cho bài viết.
Đối tác đồng hành
Vietbank
Mastercard
Napas
Vnpat
Payoo